Nước sau khi xử lý được tách bằng phương pháp điện phân để thu hồi vi tảo (sinh khối tảo) và nước sạch. Hiệu quả xử lý nước thải bằng vi tảo đạt 97%. Sinh khối tảo có thể sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, viên nén năng lượng hoặc làm phân bón.
KS Nguyễn Quốc Vương cho biết, qua triển khai ứng dụng cho thấy, công nghệ xử lý nước thải bằng vi tảo có nhiều lợi thế cạnh tranh như chi phí xử lý thấp (chỉ khoảng 10.000 đồng/m3).
Quá trình triển khai vận hành đơn giản, chi phí vận hành thấp, công nghệ xanh sạch, ít sử dụng hóa chất, hiệu quả xử lý cao, khả năng chuyển đổi linh hoạt, có thể mang lại 2 dòng doanh thu từ dịch vụ xử lý nước thải và từ việc bán sinh khối tảo. Công nghệ có thể triển khai áp dụng ngay, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng như xu hướng sống xanh.
Với hiệu quả từ mô hình triển khai ứng dụng hệ thống xử lý nước thải bằng vi tảo, hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai việc nhân giống vi tảo bằng cách liên kết với các hộ dân để nuôi trồng vi tảo, phục vụ cho các hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp, khu dân cư, tòa nhà…
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển nhân rộng giải pháp nuôi trồng vi tảo trong các ao, hồ (ao tù nước đọng) ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và đăng ký cấp chứng nhận chứng chỉ carbon cho các ao nuôi này khi chứng minh được khả năng hấp thụ khí CO2 và tạo ra khí oxy của vi tảo.
Nhóm cũng đang tiến hành một số dự án sản xuất nhân giống vi tảo phục vụ xử lý nước thải, sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ…
“Chúng tôi hy vọng sẽ là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ carbon trong nước. Công nghệ này có nhiều tiềm năng để ứng dụng, giúp cải tạo toàn hệ thống ao hồ, sông suối, kênh mương ô nhiễm… với chi phí thấp, an toàn cho sức khỏe và môi trường”, KS Nguyễn Quốc Vương cho biết.