Nếu các hành vi vi phạm được chứng minh do có đối tượng xúi giục, hậu thuẫn về mặt tâm lý thì xử lý phải là người đứng sau đó. Còn trong trường hợp các em tự làm ra hành động này thì cũng cần làm rõ mức độ.
Thường trong vụ việc sẽ có em đứng đầu; có học sinh/nhóm học sinh ủng hộ tích cực; học sinh/nhóm học sinh ủng hộ nhưng thụ động, chỉ đứng xem; có em biết hành vi sai nhưng không dám phản đối…
Cần tìm hiểu thấu đáo để có mức xử lý tương ứng, phù hợp với từng mức độ. Sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực là rất quan trọng để giúp học sinh tốt lên; trong đó không thể thiếu sự phối hợp với cha mẹ, gia đình học sinh.
Cũng theo PGS Trần Thành Nam, trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có rất đầy đủ các văn bản, chính sách, hướng dẫn: ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; quy trình an toàn trường học; phòng chống bạo lực học đường; xây dựng trường học hạnh phúc; triển khai mô hình tham vấn học đường; tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên về kỹ năng, quản lý hành vi trong lớp học…
Mọi thứ đều có đủ, nhưng vấn đề là chúng ta triển khai trong thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục như thế nào; đã thực sự thực chất, nghiêm túc, tận tâm hay chưa?...
Với 4 bước Plan - Do - Check - Act (lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, điều chỉnh), dường như chúng ta chủ yếu chỉ dừng lại ở bước lên kế hoạch và thực hiện (khâu này nhiều khi còn hình thức, chưa hiệu quả). Còn lại khâu kiểm tra, điều chỉnh chưa thực sự được chú trọng thực hiện.
Từ đó, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh: bối cảnh hiện nay càng thấy vai trò quan trọng của giáo dục học sinh toàn diện, dạy văn hóa song hành với dạy người. Học sinh không chỉ tự tin về kiến thức, năng lực xã hội mà còn biết hành xử một cách phù hợp; có năng lực định hướng, phân biệt đúng sai; biết tỏ thái độ với cái sai và bảo vệ cái đúng…
Hoạt động tư vấn trường học, vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học sinh nhất thiết cần triển khai bài bản vì đây chính là sợi dây kết nối giáo viên, học sinh, giúp phát hiện sớm, phòng ngừa để không xảy ra sự việc đáng tiếc.