Với gia đình trẻ gây ra bạo lực cũng vậy, quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân khiến con có hành động chưa phù hợp và tìm cách hỗ trợ, chuyển hóa, trang bị kỹ năng, giúp con phát triển hoàn thiện về nhân cách là điều cần phải làm đầu tiên và làm càng sớm càng tốt.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống khi xảy ra bạo lực học đường, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng: Tùy trường hợp, tình huống cụ thể mà có cách xử lý cụ thể, phù hợp. Tuy nhiên, điểm chung là ngăn chặn ngay hành động bạo lực đang xảy ra trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho các bên liên quan; tránh xung đột tiếp diễn, phức tạp hơn.
Trao đổi với những người chứng kiến; trích camera, hình ảnh, video do những người chứng kiến quay được, đồng thời yêu cầu họ xoá bỏ hoặc không phát tán để tránh ảnh hưởng đến những người khác khi vụ việc chưa được xác minh xử lý…
Đại diện lãnh đạo trường phải trực tiếp phụ trách, làm rõ ngay vụ việc bằng trao đổi với HS, cha mẹ HS liên quan, nhân chứng, xem xét các hình ảnh, video đã có. Mời bên liên quan đến vụ việc đến trường để hoà giải, thương lượng, trao đổi về hướng giải quyết, giáo dục của nhà trường, nội dung cha mẹ HS cần phối hợp với nhà trường… Nguyên tắc là bảo đảm an toàn, quyền lợi cho HS và tính giáo dục; không để tái diễn bạo lực, không làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, ngành.
Thầy Bằng đặc biệt lưu ý việc yêu cầu cha mẹ HS không làm tình hình phức tạp khi vụ việc chưa rõ ràng và trong thời gian nhà trường xử lý. “Thực tế, có trường hợp cha mẹ HS tự giải quyết bằng bạo lực; đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác…” - thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) thì nhấn mạnh: Phòng tránh bạo lực học đường cần giải pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Nhà trường xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. HS, phụ huynh cam kết thực hiện từ đầu năm học. Khi HS vi phạm, trường căn cứ theo nội quy để xử lý một cách công bằng. Trường học cũng rất cần bộ phận tư vấn tâm lý độc lập.
Cùng với đó, nên khuyến khích các lớp sử dụng tiết sinh hoạt để tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện, thay vì để trách mắng HS vi phạm nội quy. Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giúp HS giải tỏa năng lượng, góp phần tạo môi trường an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hiểu, cảm thông. Đẩy mạnh giáo dục giá trị sống, kỹ năng tích cực cũng là cách tích cực để ngăn bạo lực học đường…