Tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đề cập đến "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, Trường ĐH Vinh đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động đổi mới công tác điều hành, quản lý theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, mục tiêu đó là "trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045".
Để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, nhà trường đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, các chương trình dạy học đã được điều chỉnh để 30% tín chỉ chương trình đào tạo định hướng theo hình thức dự án gắn với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Việc dạy học gắn với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với Trường ĐH Vinh. Ảnh: Hồ Lài. |
Đẩy mạnh hình thức tổ chức dạy học theo định hướng 4.0, trong đó có yêu cầu tối thiểu như tạo điều kiện cho người học học mọi nơi, học mọi lúc và không chỉ được học thầy cô của nhà trường mà còn được học với chuyên gia giỏi trong nước và thế giới.
Nhà trường cũng xác định cần phải đột phá về nhân lực và xem nguồn nhân lực là trung tâm của sự phát triển, trong đó chú trọng đầu tư để phát triển bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, đang áp dụng các hình thức dạy học mới vào nhà trường, hướng tới chuyển đổi số để vận dụng công nghệ mới để quản trị theo mô hình đại học thông minh.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồ Lài. |
Theo GS. Nguyễn Huy Bằng, hiện Trường Đại học Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội đồng ý về mặt chủ trương để thông qua các dự án trung hạn của nhà trường. Bên cạnh đó, trường vừa được Hàn Quốc hỗ trợ nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở 2 của nhà trường theo mô hình đổi mới sáng tạo. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trường ĐH Vinh mong muốn buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng các thành viên trong đoàn sẽ góp phần giúp nhà trường làm rõ những nội dụng về định hướng phát triển và tháo gỡ khó khăn, nhất là trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ với cán bộ, giáo viên và sinh viên Trường ĐH Vinh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tập trung đề cập đến nội dung “từ đại học số đến quốc gia số”.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Trường ĐH Vinh tìm kiếm và chắp cánh cho những nhân tài của đất nước. Ảnh: Hồ Lài. |
Bên cạnh đó nhấn mạnh đến các yếu tố để có thể hình thành mô hình đại học số như vấn đề học liệu số, giảng viên số, học viên số, môi trường học tập số... Hiện mô hình số hóa hoàn toàn này đã được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng và được nhiều sinh viên tham gia.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, “nhân kiệt” đời nào cũng có và mong muốn Trường ĐH Vinh sẽ tìm kiếm và chắp cánh những nhân tài cho đất nước. Đồng thời xây dựng, triển khai dự án đại học số.
Việc triển khai mô hình đại học số có thể rút ngắn khoảng cách giữa các trường ĐH. Bên cạnh đó, có thể ứng dụng số học trong quá trình giảng dạy, tuyển sinh, nâng cao cơ hội học tập... với chi phí rẻ hơn nhưng lại hiệu quả và không giới hạn số lượng người tham gia.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng và Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Nguyễn Huy Bằng trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu, sinh viên về chuyển đổi số. Ảnh: Hồ Lài. |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng có phần giao lưu, trao đổi với các đại biểu, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Vinh.
Một sinh viên đặt câu hỏi việc chuyển đổi số có ảnh hưởng như thế nào đến ngành sư phạm lịch sử mà em đang theo học nói riêng, và sinh viên sư phạm nói chung. Ông Nguyễn Duy Dũng cho rằng, với ngành sư phạm lịch sử, để truyền đạt, giới thiệu về một vấn đề, sự kiện lịch sử, thì càng trực quan càng tốt. Và chuyển đổi số sẽ giúp các bạn làm được điều này, bằng cách tái hiện không gian đồ họa sinh động thay vì truyền đạt bằng con số khô khan. Sau này, nếu các em trở thành một giáo viên lịch sử, ứng dụng CNTT và vận dụng công cụ phù hợp với hỗ trợ rất nhiều khi dạy học cho học sinh.
Chia sẻ chung với sinh viên, ông Nguyễn Huy Dũng mong các em hãy có sự đam mê và mạnh dạn theo đuổi, kiên trì với niềm đam mê của mình. Trong quá trình đó, sẽ có những khó khăn, thách thức nhưng thực hiện đam mê các em sẽ trưởng thành và đạt được thành công riêng của mình. Lứa tuổi sinh viên hiện nay được tiếp cận sớm với công nghệ, nhưng cũng cần biết cân bằng, hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử, dành thời gian để đọc sách và tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.