Xuân vãn - Hành trình giác ngộ của một bậc quân vương

Hồ Tấn Nguyên Minh | 01/04/2022, 14:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xuân vãn (Cuối xuân) là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất trong cõi thơ Trần Nhân Tông, giúp ta cảm nhận được hành trình giác ngộ để trở thành một bậc chân tu đạt đạo.

Dịch thơ:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng

(Ngô Tất Tố dịch) [1]

Thả hồn trong thế giới nghệ thuật của bài thơ, dễ dàng nhận ra một con người ở hai thời điểm với hai mức độ khác nhau của nhận thức. Con người ấy thời trẻ chưa hiểu lẽ “sắc không”, chưa thấu được quy luật “mặt trời lên rồi sẽ lặn, đời người nổi rồi sẽ chìm”, “ba sinh như ngọn đuốc trước gió” (Thử thời vô thường kệ - Trần Thái Tông) nên có lúc lầm tưởng vạn sự thế gian là vĩnh hằng, bất biến, từ đó thường “gửi lòng nơi trăm hoa”, để tâm hồn xao động trước những biến đổi từ ngoại cảnh, để cái tâm vấn vương trong bao nhiêu hương sắc cõi đời.

Cũng con người ấy, đến khi đã từng trải, đã đủ trải nghiệm để khám phá ra “diện mạo của chúa xuân”, thấu tỏ quy luật sinh - trụ - dị - diệt của tự nhiên và quy luật sinh – lão – bệnh – tử của đời người thì tâm hồn bỗng trở nên an nhiên, tĩnh tại, bình thản trước tất cả. Hình ảnh một con người “Ngồi trên tấm bồ đoàn giữa thiền bản ngắm cánh hồng rụng” cho thấy một cái tâm bình yên đến lạ - một cái tâm đã loại bỏ mọi họa phúc, thị phi, bon chen, giành giật để không còn lo lắng, hoang mang trước bất cứ điều gì.

“Xuân vãn” (Cuối xuân) là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất trong cõi thơ Trần Nhân Tông. Ảnh minh hoạ (Nguồn IT)

3.

Với trí tuệ thâm viễn, cái tôi trữ tình của nhà thơ không ngừng suy ngẫm, chiêm nghiệm khiến nhận thức liên tục có sự vận động và thay đổi theo thời gian. Con người lúc “bất tri kiến” thì đối cảnh sinh tình, tâm động theo cảnh, hoa nở thì mừng vui, hoa tàn thì luyến tiếc. Con người sau khi đã “tri kiến” thì “đối cảnh vô tâm” hay “đối cảnh kiến chân như”, tìm thấy sự thanh thản, an lành ngay trong cái vang động của đời. Tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã rất tinh tế khi cho rằng, “vẫn là cảnh xuân, vẫn là trăm hoa năm nào đấy thôi nhưng dường như bây giờ nhà thơ mới nhận diện được bản chất của sự sống. Đó là sự trả giá bằng cả thời gian đời người, bằng sự nghiệm sinh trong cuộc sống, sự thức tỉnh và thức nhận bản chất lẽ sinh – tử, còn – mất, hữu – vô” [2].

Có thể thấy, toàn bộ bài thơ là hành trình tự nhận thức của một con người đi từ “mê” đến “ngộ”, từ mờ mịt đến sáng tỏ để nhận ra lẽ “sắc không”, ý thức được tính chất vô thường của thời gian trần thế; không phải để tiếc nuối, khổ đau trước chuyện thịnh - suy, được - mất; không phải để mang nặng trong lòng “nỗi buồn quán trọ trần gian” mà là để chấp nhận quy luật và vượt lên trên quy luật, đạt đến cảnh giới cao nhất của sự giác ngộ, tìm được sự thư thái cho tầm hồn. Tinh thần ấy đối với một hoàng đế, người nắm quyền uy tột đỉnh trong tay quả là một điều hiếm có trong lịch sử.

_________________________________________________

[1] Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý - Trần, 2, NXB KHXH, Hà Nội.

[2] Nguyễn Hữu Sơn, Tác gia Hoàng đế - Thiền sư – Thi sĩ Trần Nhân Tông, vienvanhoc.org.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/xuan-van-hanh-trinh-giac-ngo-cua-mot-bac-quan-vuong-hzfiSdsng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/xuan-van-hanh-trinh-giac-ngo-cua-mot-bac-quan-vuong-hzfiSdsng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuân vãn - Hành trình giác ngộ của một bậc quân vương