Xuất hiện video 'quốc gia BRICS đưa hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza': Quân đội số 1 'lục địa đen' tham chiến?

Tùng Chi | 20/10/2023, 07:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đoạn video tới nay đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem, tài khoản đăng video này khẳng định rằng hàng trăm xe tăng đã tiến vào Gaza. Thực hư ra sao?

Hàng trăm xe tăng Ai Cập tiến vào Gaza?

Theo hãng truyền thông DW (Đức), trong lúc Israel đang chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm vào Gaza, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung nói rằng Ai Cập - quốc gia thành viên mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), đồng thời là nước có quân đội mạnh số 1 châu Phi - đã bắt đầu tham gia cuộc chiến để bảo vệ người dân Palestine.

Đoạn video tới nay đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem. DCM Global - tài khoản đăng video này khẳng định rằng xe tăng Ai Cập đã tiến vào Gaza.

Tiêu đề tiếng Anh của video nêu rõ: "Ai Cập tham gia chiến tranh Israel! Hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza! Các nước hồi giáo thề sẽ trả thù".

Trong ảnh đại diện của video, có thể thấy một hàng xe quân sự dường như "dài vô tận" đang mang theo cờ Ai Cập tập kết tại một địa điểm trên sa mạc. Phía bên phải là hình ảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trên bức ảnh đại diện còn có 3 dòng chữ được làm nổi bật bằng các màu sắc khác nhau với nội dung: Israel đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh mới. Ai Cập đã tới biên giới Gaza!

Xuất hiện video quốc gia BRICS đưa hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza: Quân đội số 1 lục địa đen tham chiến? - Ảnh 1.

Ảnh đại diện của đoạn video do DCM Global đăng tải.

Kết quả xác minh của DW

Theo DW, ảnh đại diện của video có lẽ được tạo ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi DCM Global không cung cấp bất cứ bằng chứng cụ thể nào để chứng minh tuyên bố được đưa ra trong tiêu đề video.

Các hình ảnh xuất hiện trong video chỉ "mang tính chất minh họa", thay vì quay được cảnh quân đội Ai Cập tham gia cuộc xung đột.

"Dường như là một chuỗi hình ảnh được đưa ra khỏi bối cảnh" - DW nhận định. Có những hình ảnh về các cuộc di chuyển quân ngẫu nhiên, các hoạt động chiến đấu hoặc tập trận.

Bằng cách sử dụng phương pháp tìm kiếm hình ảnh ngược, DW cho biết họ không tìm thấy mối liên hệ nào trong nội dung của đoạn video với các hình ảnh hiện tại.

Thậm chí, khi vào nội dung chính, đoạn video không còn đề cập tới thông tin quân đội Ai Cập đã tiến vào dải Gaza, mà chỉ nói rằng chính phủ Ai Cập đang bắt đầu "tổ chức vận chuyển binh lính, xe bọc thép và xe tăng".

Bên cạnh đó, DW phát hiện thấy âm thanh thuyết minh trong video có sự mâu thuẫn. Ví dụ, đoạn trước nói "Người dân Ai Cập đang tổ chức tuần hành trên đường phố, yêu cầu đưa quân đội Ai Cập tới Palestine chiến đấu chống lại Israel" , thì đoạn sau lại tuyên bố "quyết định mà chính quyền Cairo đưa ra đã sớm làm người dân Ai Cập thất vọng".

Xuất hiện video quốc gia BRICS đưa hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza: Quân đội số 1 lục địa đen tham chiến? - Ảnh 2.

DW cho biết họ không tìm thấy thông tin nào có thể chứng minh tính xác thực của đoạn video do DCM Global đăng tải.

Cuộc kiểm tra thông tin trực tuyến của DW cho thấy không có cơ quan truyền thông nào của Ai Cập đưa thông tin về kế hoạch nước này tham gia xung đột Gaza. Chính phủ Ai Cập cũng chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về vấn đề này.

DW đã đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Ai Cập đưa ra các bình luận về đoạn video trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

"Lực lượng Đa quốc gia và Quan sát viên" - một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tham gia giám sát bán đảo Sinai từ năm 1981 nhằm đảm bảo rằng Ai Cập và Israel tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước hòa bình năm 1971 - cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận của DW về đoạn video.

Tuy nhiên, theo hãng truyền thông của Đức, về cơ bản mà nói, gần như không thể có chuyện một chiến dịch quân sự được tiến hành ở biên giới giữa bán đảo Sinai của Ai Cập với Israel và Dải Gaza lại giữ được bí mật. Các cơ quan thông tấn quốc tế và phóng viên hiện trường chắc chắn đã biết về nó nếu có.

'Một cuộc chiến vô ích'

Các nhà quan sát, trong đó có nhà báo Ai Cập Shahira Amin cho biết, các điều khoản trong Hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel đã được nới lỏng trong những năm gần đây.

Hợp tác an ninh giữa Ai Cập và Israel theo thỏa thuận chung cũng ngày càng gia tăng, thậm chí có những báo cáo đáng tin cậy rằng lực lượng an ninh Israel và Ai Cập đã hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố ở bán đảo Sinai, cùng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào loạt mục tiêu thánh chiến ở Ai Cập.

Xuất hiện video quốc gia BRICS đưa hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza: Quân đội số 1 lục địa đen tham chiến? - Ảnh 3.

Các chuyên gia nhận định Ai Cập khó có khả năng đưa quân vào Gaza. Ảnh từ đoạn video của DCM Global.

Các chuyên gia cho rằng có một số lý do khiến Ai Cập khó có thể tham gia vào cuộc xung đột Israel-Hamas.

Ông Eckart Woertz, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông GIGA có trụ sở tại Hamburg, cho hay: "Tôi không tin rằng Ai Cập sẽ hy sinh hiệp ước hòa bình với Israel vì Hamas ở Dải Gaza, nơi mà họ đã phong tỏa cùng với Israel trong suốt những năm qua" .

Theo ông Woertz, người dân Ai Cập có "sự đồng cảm lớn đối với người Palestine" , nhưng "không chính phủ nào sẽ mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh vô ích vì điều đó".

Đồng tình với ý kiến trên, bà Jeannie Sowers - chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học New Hampshire - cho rằng đó là một kịch bản không thể xảy ra và Ai Cập "không có sự chuẩn bị về quân sự, cũng như nền tảng kinh tế để làm như vậy" .

Dựa trên ý kiến của các chuyên gia, DW đi đến kết luận: Tuyên bố cho rằng Ai Cập đã can thiệp vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas không những không có căn cứ mà còn rất khó tin. Động thái duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) được nhiều phương tiện truyền thông đề cập là Ai Cập đang tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Gaza để phòng trừ khả năng dòng người tị nạn Palestine tràn vào không kiểm soát được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện video 'quốc gia BRICS đưa hàng trăm xe tăng tiến vào Gaza': Quân đội số 1 'lục địa đen' tham chiến?