Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết thông tin trên tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội.
Ông Phạm Đức Long nhận định các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu ví dụ về một hệ thống giám sát liên quan ngành nông nghiệp đạt giải Bạc sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới được lắp đặt trên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt trong năm 2022, sản phẩm này đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến, hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.
Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh chắc chắn công nghệ số sẽ là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải có nội dung mới, cách làm mới, xung lực mới. Muốn như vậy, thể chế phải thay để bảo đảm những đổi mới đó đúng quy định của pháp luật. Bộ TT&TT sẽ tiếp thu, rà soát, hoàn thiện thể chế của ngành theo chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số với việc áp dụng công nghệ số trong công tác đào tạo.
Ông Phạm Đức Long cũng lưu ý các doanh nghiệp, thị trường trong nước cần tiếp tục đổi mới bằng cách làm chuyên nghiệp và chất lượng.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Ban Tổ chức đã công bố và trao giải thưởng các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022. Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số./.