Ngày 20/4, những nhà giáo, chiến sĩ phía Bắc đã gặp mặt để ôn lại kỷ niệm không thể nào quên về một thời "đi B" Quảng Trị của 53 năm về trước.
Đoàn nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; 53 năm ngày các nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị tại Trường THPT Bình Minh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Yên – Trưởng Ban liên lạc Đoàn nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị chia sẻ, vào năm 1972, trước lời kêu gọi của cách mạng Miền Nam, hơn 700 thầy cô giáo trẻ từ khắp các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tây, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… đã tình nguyện lên đường vào chiến trường Quảng Trị đầy ác liệt.
Đó không chỉ là hành trình gieo mầm tri thức, mà còn là một biểu tượng của lý tưởng cao đẹp mang ánh sáng giáo dục đến vùng đất lửa. Những thầy cô theo quyết định đi B không chỉ dạy chữ, mà còn truyền lửa, hun đúc ý chí cho học sinh và người dân vùng giải phóng. Họ chính là những người đặt nền móng cho sự phát triển giáo dục của Quảng Trị, vượt qua muôn vàn gian khổ để góp phần dựng xây một xã hội mới.
Phát biểu tại đây, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, cách đây 53 năm sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo sự nghiệp "trồng người".
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, một mặt tỉnh Quảng Trị đã sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục; đồng thời mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành Sư phạm để đáp ứng yêu cầu dạy học. Mặt khác, tỉnh cũng đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị.
Đội ngũ nhà giáo chi viện từ Miền Bắc cho Quảng Trị có nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho những cán bộ trưởng thành trong kháng chiến, xóa nạn mù chữ, phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục phổ thông. Thầy cô cùng ăn, cùng ở, cùng làm, tăng gia sản xuất với người dân để nhanh chóng tạo nên những phòng học tranh tre, nứa lá để các em học sinh có chỗ học.
Các nhà giáo "đi B" Quảng Trị đã để lại nhiều câu chuyện cảm động như tấm gương nhà giáo Nguyễn Văn Bưu (Hà Nội) anh dũng hi sinh tại mảnh đất Quảng Trị, nhiều thầy cô mang trong mình thương tật do lửa đạn của chiến tranh, khi trở về không có mái ấm trọn vẹn cho riêng mình và nhiều nhà giáo gác lại tuổi thanh xuân để hăng hái vào chiến trường, gieo chữ cho vùng cách mạng.
"Chúng ta đang sống và làm việc trong thời khắc cả dân tộc đang dâng tràn khát vọng bứt phá, từng bước đưa đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh, thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó gửi gắm cho ngành Giáo dục. Chúng ta cần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang của nhà giáo, trong đó có những hình ảnh đẹp đẽ của các nhà giáo đi B Quảng Trị" - GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn gửi gắm.