Bữa cơm của vợ chồng thầy Hưng và học trò. Ảnh: NVCC |
Đưa trò đến điểm thi nhưng thầy Hưng không về nhà ngay mà thường nán lại. Đợi đến khi tiếng trống báo giờ làm bài vang lên, thầy mới rời điểm thi và về nhà hỗ trợ vợ nấu bữa trưa cho trò. Thầy Hưng kể: “Tôi chịu trách nhiệm đưa đón học trò đi thi. Do vậy trước lúc thầy trò đến điểm thi, tôi luôn dặn các em phải kiểm tra giấy tờ, bút mực đã đủ chưa. Dẫu vậy, tôi vẫn lo lắng, phải đến khi các em vào phòng thi, có trống báo giờ làm bài, tôi mới yên tâm trò đã mang đầy đủ giấy tờ, dụng cụ”.
Điểm thi cách nhà 200m nhưng thầy Hưng luôn đến sớm hơn 15 phút để đến đón các em, dẫu phải đứng đợi ngoài cổng trường giữa tiết trời nắng nóng. “Tôi không muốn học trò cảm thấy lẻ loi hay tủi thân sau khi bước ra khỏi phòng thi, thấy bạn bè khác được bố mẹ hỏi han, đưa đón. Tôi muốn các em bước ra ngoài đã có thầy đứng chờ. Dù làm bài thi tốt hay không, tôi vẫn rộng vòng tay đón và động viên các em”, thầy Hưng bộc bạch.
Sáng 8/6, thí sinh thi môn đầu tiên là Ngữ văn, thầy Hưng thấy trong lòng “nóng như lửa đốt” vì lo lắng không biết trò làm bài thế nào. Kết quả làm bài có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các em cho buổi thi chiều cùng ngày. Tuy nhiên, khi thấy trò bước ra khỏi phòng thi với nụ cười trên môi, vui vẻ chạy về phía thầy khoe: “Thầy ơi, con làm được bài”, mọi lo lắng của thầy Hưng đều tan biến. Buổi chiều, trước khi bước vào thi môn Tiếng Anh, thầy Hưng không quên động viên các em làm bài hết sức mình, tận dụng tối đa thời gian.
“Đừng quan tâm kết quả, các em chỉ cần nỗ lực hết sức là câu nói tôi dành cho thí sinh. Mặc dù thầy trò đã chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của mình, tôi vẫn lo vì Tiếng Anh là môn mà học sinh người dân tộc thiểu số thường yếu nhất”, thầy Hưng trăn trở.