Không nên cứng nhắc
Em Nguyễn Hữu Đạt, du học sinh Việt Nam tại Pháp, cho biết: Em theo học chương trình bằng tiếng Anh nên khi nói chuyện với thầy cô chỉ sử dụng I (tôi) và you (bạn). Cách xưng hô như vậy khá thuận tiện khi em chưa biết tuổi tác của người đối diện nhưng thiếu sự gắn bó như các đại từ tiếng Việt.
“Về câu chuyện cách xưng hô giữa thầy cô và học sinh, em nghĩ cách gọi nào cũng chấp nhận được. Ở ngoài Bắc, hồi cấp 1, em hay dùng cách xưng hô thầy, cô - con, lên cấp 2, cấp 3 thì chuyển sang thầy, cô - em. Nhưng nhiều bạn của em ở trong Nam chỉ xưng hô là thầy, cô - con. Vì đây là ngôn ngữ trò chuyện, không phải ngôn ngữ trong văn bản, em nghĩ không nên quá cứng nhắc”, Đạt cho hay.
Trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học có thể dùng cách xưng hô thầy, cô - con để tạo cảm giác gần gũi như ở nhà do các em đang làm quen với thế giới bên ngoài và muốn tìm chỗ dựa ấm áp như gia đình. Lên cấp 2, cấp 3, học sinh có thể chuyển sang xưng em, thể hiện sự chững chạc trong độ tuổi.
Chia sẻ quan điểm trên, chị Nguyễn Lan Anh, sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: Học sinh có thể chọn cách xưng hô tuỳ thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh của giáo viên. Đơn cử, giáo viên chưa có con thì học sinh nên xưng em. Tuy nhiên, không phải lúc nào học sinh cũng nắm rõ điều này để điều chỉnh cách xưng hô.
“Nói chung, tôi thấy cách xưng hô nào cũng phù hợp. Học sinh nên lựa chọn cách xưng hô mà bản thân cảm thấy thoải mái nhưng phải thể hiện sự tôn trọng với giáo viên. Học sinh cũng nên trau dồi, thể hiện sự tôn trọng, biết ơn thầy cô giáo và phấn đấu học tập. Với giáo viên, đây là món quà lớn nhất", chị Lan Anh chia sẻ.