Ông T, phụ huynh học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM, nhận xét, chuyện giáo viên gọi học sinh là em hay là con không quan trọng. Đó chỉ là những đại từ nhân xưng trong văn nói, không phải trong văn bản.
Ông T chia sẻ: “Theo như tôi được biết thì ngoài Bắc, thầy cô hay gọi học trò là em, còn trong Nam, học sinh lại hay gọi giáo viên là thầy, cô và xưng con. Tuy nhiên, hiện nay, cách gọi em hay con đều đã xuất hiện ở nhiều nơi, tùy thuộc vào văn hóa của từng địa phương. Tôi cho rằng, cách xưng hô không quá quan trọng mà sự tôn trọng mới là yêu cầu cao nhất”.
Em V, học sinh lớp 9 của Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM cho biết, em thích cả hai cách xưng em và xưng con. Em V tâm sự: “Em thường có thói quen gọi giáo viên là thầy, cô và xưng con, nhưng em thấy các bạn xưng em với thầy cô cũng không có gì khác biệt và vẫn trân trọng những người đã dạy dỗ mình”.
Văn hóa trọng tình và truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Văn hóa trọng tình và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam ta xưa nay đã sinh ra khái niệm rằng “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ”- nghĩa là chỉ cần một ngày được học thầy thì cũng xem đó tựa như người cha của mình vậy. Chính vì thế, đã có biết bao tấm gương trung hậu, “kính sư như tại” (kính thầy như còn sống), xem trọng thầy như cha mặc dù thầy không còn nữa.
Có rất nhiều câu chuyện nhân văn, đáng để cho mỗi chúng ta tự hào về tình nghĩa thầy trò cao quý trong quá khứ, ví dụ như sau khi thầy giáo Lương Đắc Bằng qua đời hồi đầu thế kỷ thứ 16 thì danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là người học trò chí tình đã lặn lội đường xa về quê thọ tang thầy ở làng Hội Triều (Thanh Hóa) và cất chòi giữ mộ thầy 3 năm rồi mới chịu trở về nhà.
Hay như câu chuyện ở Sài Gòn xưa (TPHCM ngày nay), có bậc thầy Võ Trường Toản được xem là hậu tổ của ngành giáo dục, đã đào tạo Gia Định Tam Gia là các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định và biết bao danh sĩ nữa trở thành những bậc ưu tú, có ảnh hưởng lớn trong việc định hình bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng.
Lòng tôn kính thầy Võ Trường Toản sâu nặng đến độ sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa- Gia Định- Định Tường) vào năm 1862, nhưng sau đó những danh sĩ như đốc học Nguyễn Thông, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu… đã làm lễ xin cải táng đưa di cốt của thầy về Vĩnh Long (Ba Tri-Bến Tre ngày nay) để an táng.
Việc này mang ý nghĩa là các thế hệ học trò đã được hun đúc tinh thần yêu nước, được giáo dưỡng đạo lý nhân luân nên không thể an lòng khi nhìn thất mộ thầy nằm trong đất giặc. Họ cảm nhận được thầy mình sẽ tủi nhục ra sao, đó phải chăng là khí tiết của những người yêu nước, của tình thầy trò hay nghĩa cha con.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ khoa học được áp dụng rất nhiều, có những lúc, việc học tập của học sinh không cần phải có thầy trực tiếp giảng dạy, nhưng khái niệm “không thầy đố mày làm nên” và tinh thần “được một chữ là nhờ thầy mà được nửa chữ cũng là nhờ thầy” vẫn luôn ẩn sâu trong tâm hồn người Việt Nam.
Đó là lòng biết ơn, sự khiêm cung của người văn minh tiến bộ, là chất keo sơn kết nối truyền thống và hiện đại mãi mãi trường tồn. Cách xưng hô sao cho phải phép và tình nghĩa giữa cô thầy với học trò luôn đong đầy, luôn trong sáng sẽ là nền tảng thúc đẩy việc dạy và học đạt được hiệu quả cao nhất.