Cô Triệu Thị Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học và THCS 1 An Sơn (Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Khi tham gia dạy lớp xóa mù chữ khó khăn đầu tiên cô gặp phải chính là học viên nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau. Đồng nghĩa với, bản thân người dạy phải có cách ứng xử, giảng dạy làm sao để học viên không cảm thấy ngại, tự ti mà cởi mở với mình trong quá trình học”.
Theo đó, mỗi buổi trước khi vào học bài mới, cô Tuyết dành khoảng 20 phút để ôn lại bài cũ, cho học viên tập đọc để tránh quên cũng như khởi động đầu buổi học cho học viên cảm thấy thoải mái hơn.
Lớp học cô Tuyết giảng dạy có 10 học viên, trong đó học viên nhỏ tuổi nhất là 31 tuổi, học viên lớn tuổi nhất là 55 tuổi.
“Vì độ tuổi đa dạng, tôi đã căn cứ vào từng mức độ tiếp thu để hướng dẫn học viên học, tránh một lúc đưa kiến thức quá nặng khiến học viên cảm thấy chán hay không muốn học dễ dẫn đến nghỉ học giữa chừng”, cô Nông Thị Tuyết tâm sự.
Được biết, lớp học xoá mù chữ do cô Tuyết chủ nhiệm có một học viên nhà xa, không biết đi xe máy, mỗi buổi đến lớp học viên đó được trưởng thôn đưa đi đón về.
“Nhiều hôm trưởng thôn bận, để học viên đến lớp học đầy đủ lại nhờ người chở học viên đó đến lớp. Hay một học viên năm nay 55 tuổi, khi nghe tin có lớp xoá mù chữ, học viên đó đã xung phong đi học”, cô Nông Thị Tuyết.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%. Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ.
Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước). Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).