Ý nghĩa thờ cúng ông Công ông Táo trong phong tục Việt Nam

02/02/2024, 07:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình Việt thường làm lễ cúng ông Công ông Táo, nhưng không phải ai cũng biết về phong tục thờ Táo.

Nguồn gốc sự tích Ông táo về trời

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ của Trung Hoa nhưng được dân gian Việt Nam lưu truyền thành sự tích "2 ông 1 bà" - Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp và người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo theo phong tục Việt Nam.

Ngày xưa, ở vùng quê nọ có một cặp vợ chồng nghèo, người chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Vì cuộc sống hôn nhân không được hòa thuận, thường xuyên xảy ra nhiều cuộc tranh cãi nên đã dẫn đến ly tan. Sau đó Thị Nhi đã bỏ nhà ra đi, lang thang tứ xứ, trong hành trình này cô đã vô tình gặp được Phạm Lang. Cả hai tâm đầu ý hợp nên đã kết thành vợ chồng.

Về phần Trọng Cao, vì hối hận và thương nhớ vợ nên dốc hết của cải để lên đường tìm vợ, đến khi không còn tiền phải trở thành ăn xin, vừa xin ăn vừa lang thang tìm vợ. Đến một ngày, Trọng Cao vô tình đến ngay nhà của Thị Nhi và Phạm Lang để xin ăn, đôi vợ chồng cũ do vậy mà vô tình gặp lại nhau.

Trong lúc hai người đang nói chuyện thì bỗng nhiên Phạm Lang trở về, lo sợ chồng sẽ hiểu lầm, khó lòng giải thích được nên Thị Nhi đã cho chồng cũ của mình trốn vào đống rơm sau vườn. Không ngờ trong lúc chờ cơm vợ, Phạm Lang đã ra vườn châm lửa đốt rơm để lấy tro bón ruộng.

Có lẽ vì còn yêu, thêm vào nỗi ân hận với vợ, Trọng Cao đã chấp nhận hy sinh mình không chạy ra. Thấy mình đã vô tình hại chết chồng cũ nên Thị Nhi quyết định nhảy vào đống lửa, thấy vậy Phạm Lang đã lao theo để cứu Thị Nhi nhưng vì lửa quá lớn nên cả ba đã không thể thoát khỏi cái chết.

Ngọc Hoàng thượng đế đã cảm thông trước câu chuyện của ba người nên đã phong cho họ là Táo quân quản lý chuyện dân gian, nhất là chuyện liên quan đến bếp. Và vào ngày 23 tháng 12 (hay tháng Chạp âm lịch) hàng năm, các Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để phục mệnh, báo cáo tình hình cũng như mang những lời cầu mong của dân lên tâu cùng Ngọc Hoàng.

Thần Bếp theo tục cổ truyền Việt Nam

Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Táo quân còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ nơi gia đình cư ngụ và thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Thần Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà. Cho nên để Thần Bếp "phù trợ" được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu ông Trời rất trọng thể.

Vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng Thượng đế (hay ông Trời). Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa.

Người dân Việt từ ngày xưa đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa. Cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Ý nghĩa tục cúng ông Công ông Táo

Theo truyền thuyết kể lại rằng: "Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người. Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người".

Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác.

Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả. Việc thả cá chép có ngụ ý "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng". Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

* Thông tin mang tính tham khảo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý nghĩa thờ cúng ông Công ông Táo trong phong tục Việt Nam