Lễ Tri ân và trưởng thành là dịp để lại dấu ấn đẹp cho học trò.
Nhiều phụ huynh và thầy cô giáo xúc động, ngỡ ngàng khi lắng nghe những tâm sự chân thành mà ngày thường các em không thổ lộ, vui mừng và hạnh phúc khi thấy học trò đã trưởng thành, bớt đi những bồng bột, dại khờ của tuổi nhỏ.
Vào dịp cuối tháng 5, khuôn viên Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại chứng kiến sự rộn ràng chuẩn bị cho lễ bế giảng của lứa học trò khối 12. Đó là sự bùi ngùi, thoảng chút buồn khi sắp phải nói lời chia tay những người bạn sau 3 năm học với biết bao trải nghiệm.
Kết thúc phần lễ tuyên dương, khen thưởng, cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường đánh tiếng trống bế giảng, báo hiệu thời điểm tạm biệt mái trường THPT nhiều kỷ niệm đối với học sinh lớp 12 đã đến. Những chiếc ôm nồng thắm, nước mắt đã lăn dài và dòng tâm sự viết vội được học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức trao nhau.
Nguyễn Hương Giang - học sinh lớp 12 chia sẻ: Những năm học dưới mái trường Việt Đức thân yêu, tất cả sắp trở thành kỷ niệm, chúng em phải chia tay thầy cô giáo, lớp học - sân trường, các câu lạc bộ để đến với tương lai đang rộng mở. Em mãi ấn tượng với lời dặn dò của cô hiệu trưởng “Hãy mang theo bên mình những hành trang và bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia thật tự tin, bản lĩnh. Hãy mang theo những điều thầy cô đã giảng dạy, truyền tải trên lớp và biến đó thành nền tảng kiến thức vững chắc vượt qua khó khăn, thử thách”.
Những ngày kết thúc học kỳ II, vào cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT nhưng thầy, trò Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) cùng nhau tổ chức chương trình “Chuyến tàu ký ức”. Đây là hoạt động nhằm chia sẻ kỷ niệm về mái trường, về thầy cô và những người bạn đã đồng hành, gắn bó suốt 3 năm của học sinh khối 12.
Chia sẻ về hoạt động này, em Lê Ngọc Gia Hân - học sinh lớp 12 cho biết: “Chặng đường 3 năm THPT của học sinh 12 dần khép lại. Em và các bạn chuẩn bị ra trường, bước sang một chặng đường mới nhiều thử thách và cơ hội đang chờ đón. Thông qua chương trình, tất cả học sinh sẽ tri ân thầy cô, những người đã truyền đạt kiến thức, đạo đức và kỹ năng suốt quá trình học tập. Thầy cô cũng dành những lời khuyên, động viên và truyền lửa cho từng học trò”.
Ở ngôi trường vùng sâu, xa - Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), lễ Tri ân và trưởng thành được duy trì tổ chức hằng năm. Chia sẻ về chương trình, cô Đinh Thị Ngọc Bích - giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn cho biết: Hòa chung xúc cảm của phụ huynh, thầy cô giáo giảng dạy các em trong suốt thời gian qua đã chia sẻ, tâm sự những nỗi niềm, suy nghĩ và có vài điều dặn dò. Xúc động nhất là khi được nghe học sinh gửi lời tri ân đến phụ huynh, thầy cô.
Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) tri ân thầy cô tại chương trình “Chuyến tàu ký ức”. Ảnh: Quốc Ngữ |
Tiết học cuối cùng của thầy và trò tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau (xã Định Bình, TP Cà Mau) dạt dào cảm xúc nhưng không thể nói thành lời, thầy và trò chỉ thể hiện tình cảm dành cho nhau thông qua ký hiệu ngôn ngữ.
Cô Đoàn Thị Thảo có hơn 10 năm gắn bó tại trung tâm, học sinh khiếm khuyết luôn được cô xem là những “đứa con đặc biệt” của mình. “Mỗi khi nghỉ hè, vắng các em tôi buồn lắm, cảm thấy nhớ, chỉ mong hè sớm qua để được gặp lại học trò. Dù các em gặp khó khăn về ngôn ngữ nhưng việc thể hiện tình cảm yêu thương thông qua các cử chỉ, hành động lại khá ổn. Trò sống tình cảm, mình thương chúng thì chúng sẽ đáp lại tình cảm đó.
Những năm trước, sau nghỉ hè thấy nhiều em đen, ốm, tôi xót lắm, nên tiết học cuối cùng của năm học, cô trò chủ yếu dành thời gian tâm sự, nhắc nhở, động viên các em về nhà cố gắng ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe, vâng lời người thân, hạn chế đi chơi, dành thời gian rèn luyện thêm kiến thức”, cô Thảo chia sẻ.
Trước giờ chia tay trường, lớp và thầy, cô, bạn bè để trở về gia đình, nhiều học sinh không khỏi quyến luyến, bịn rịn. Em Lê Tuyết Nga - lớp 5B, thông qua ngôn ngữ ký hiệu mong cô giáo cố gắng giữ gìn sức khỏe; em hứa về nhà sẽ chăm ngoan, nghe lời gia đình, không ham chơi. Còn em Phạm Thanh Duy học cùng lớp ra ký hiệu cho biết rất thương và sẽ nhớ cô nhiều lắm; khi có thời gian, được gia đình cho phép sẽ đến thăm cô.
Cô Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Cà Mau cho biết, trẻ em ở đây đa phần có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài trách nhiệm giảng dạy kiến thức, các thầy, cô giáo còn thường xuyên tiếp xúc, thấu hiểu tâm tư, nắm bắt tâm lý, tình cảm, vì thế được học sinh quý mến, xem như cha, mẹ thứ 2.
“Hằng ngày nhìn thấy các em học tập, vui đùa, tiến bộ từng ngày, bản thân thấy rất vui, nay phải xa các em, dù chỉ vài tháng nhưng cũng trống vắng, buồn. Hy vọng các em luôn khỏe mạnh, bình an, ngày tựu trường sẽ có mặt đầy đủ”, cô Nga chia sẻ.
Những ngày học cuối của cô trò ở điểm trường Lang Lương, cô Trà Thị Thu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) nhắc đi nhắc lại cho những học sinh lớp 2 về kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Năm học tới, các em sẽ chuyển về học bán trú tại điểm trường chính. Để có thể hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, cô Thu đã hướng dẫn và rèn cho trò từ cách đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn, giặt quần áo, rửa chén bát, đi vệ sinh.
Cô Trà Thị Thu cho biết, năm học vừa qua, cô trò điểm trường Lang Lương nhận được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của nhà hảo tâm, các câu lạc bộ đội nhóm thiện nguyện. Từ những bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày, quần áo ấm, đồng phục; phòng học được trang bị cả tivi, bộ lọc nước, tủ lạnh…
Lễ tổng kết năm học, với học sinh điểm trường Lang Lương thực sự là trải nghiệm đầy mới mẻ và ấn tượng. Ngoài giấy khen, học sinh nhận được phần thưởng là tập vở, hộp bút… để chuẩn bị cho năm học mới. Sau phần lễ là bữa tiệc đầy hấp dẫn với nhiều món ngon, được nếm cả vị trà sữa…
Cô giáo Lê Thị Kim Tùng - Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chuẩn bị quà cho học sinh. Ảnh NVCC |
Cô Hồ Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) đã kể với học sinh khối 12 trong Lễ Tri ân và trưởng thành về quyển sách cùng với lời đề tặng của thầy giáo cũ trong ngày chia tay: “Thôi chia tay nhé người học trò tâm đắc - niềm kiêu hãnh và nỗi day dứt của thầy”.
Mang theo nỗi niềm của người thầy mình vô cùng kính trọng và yêu mến, cô Thanh đã trở thành cô giáo. “Suốt một đời đi dạy, cô đã gặp bao thế hệ học trò, từng kiêu hãnh vì được làm thầy của những học trò tài năng, chăm ngoan, nhiều nghị lực và ý chí. Nhưng cũng như thầy mình, cô không nguôi ngoai nỗi niềm day dứt vì chưa làm được nhiều hơn cho học trò, như những gì mình mong muốn, kỳ vọng…”, cô Thanh chia sẻ.
Trong lễ Tri ân và trưởng thành của học sinh Trường THPT Hòa Vang, đã có không ít giáo viên, học sinh và cả phụ huynh lén lau nước mắt khi cô hiệu trưởng nhắn nhủ: “Những chuyến đò ngang, ẩn dụ ấy đâu có gì là xa lạ, bởi nó diễn tả thật đúng tâm trạng những người thầy khi lần lượt chia tay với khách sang sông, lặng lẽ thầm mong họ sẽ tiếp tục hành trình với nhiều thành công nối tiếp”. Thầy cô Trường THPT Hòa Vang chúc những học sinh tuổi 18 lên đường, chân cứng đá mềm, dù học ở đâu, làm gì hãy nhớ mình là học sinh Hòa Vang, để tự hào và sống tốt hơn.
Trước ngày bế giảng năm học, cô giáo Lê Thị Kim Tùng - Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) dành một khoảng thời gian để viết thiệp gửi đến 40 học sinh lớp 12/8. Mỗi học sinh đều nhận được một món quà nhỏ, kèm theo lời chúc của cô giáo chủ nhiệm. “Ngồi viết lời nhắn cho học sinh, lại nhớ đến từng gương mặt, tính cách trong một tập thể lớp mà mình đã đồng hành suốt 3 năm học. Nên lời nhắn nhủ của cô giáo thì ngắn, mà thời gian hồi tưởng lại quá nhiều”, cô Tùng chia sẻ.
Món quà cô Tùng gửi tặng học sinh gồm cây bút chì và móc chìa khóa, như một lời chúc may mắn cho chặng đường phía trước. “Các em sẽ dùng cây bút chì để làm tốt bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi quan trọng sắp tới. Cô cũng mong rằng, với mỗi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, các em đều tìm được chìa khóa để giải quyết những vấn đề của mình”, cô Tùng gửi gắm.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 9b1, Trường THCS Him Lam (Điện Biên) chia sẻ: “Suốt quá trình chủ nhiệm, giữa cô trò đã có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Vui, buồn, giận dỗi, vị tha, yêu thương có đủ. Đây là điều đương nhiên mà bất cứ mối quan hệ, hay tập thể nào cũng phải trải qua.
Tôi biết ơn những điều đã qua để thấy bản thân và học trò đã gắn bó, yêu thương nhau như thế nào. Tôi biết rằng, sau khi bước ra khỏi ngôi trường này, mỗi em sẽ có lựa chọn về ngôi trường tiếp theo để học tập. Nhưng dù lựa chọn môi trường nào, tôi cũng mong các em đủ mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết tâm để theo đuổi giấc mơ”.