Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục

25/11/2023, 11:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhà giáo được coi là yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục. 

Bên cạnh thu nhập, môi trường làm việc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, tâm huyết với nghề nghiệp của nhà giáo. Đây là vấn đề nhiều thầy cô trăn trở. Như chia sẻ của thầy Ksơr Y Chét, trong khi điểm trường chính cơ sở vật chất khá đầy đủ, thì điểm lẻ nơi thầy giảng dạy còn nhiều thiếu thốn: Sân trường là sân đất; chưa đủ trang thiết bị, đặc biệt thiết bị phục vụ đổi mới theo Chương trình GDPT 2018… Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học.

Cùng nỗi niềm, thầy Vũ Nho Hoàng chia sẻ những khó khăn khi thiết bị dạy học theo chương trình mới còn thiếu, chưa được cấp phát đủ; phòng học chức năng không đủ nên khó khăn khi dạy thí nghiệm, thực hành với các môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất. Công nghệ thông tin phát triển nên giáo viên chịu áp lực nhất định từ mạng xã hội, phụ huynh học sinh…

Để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, theo thầy Vũ Nho Hoàng, bổ sung đủ thiết bị dạy học là yêu cầu cấp thiết. Địa phương cần quan tâm, tăng cường xã hội hóa giáo dục để đảm bảo cơ sở vật chất cho nhà trường, xây các phòng chức năng mới nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, tăng cường văn hóa ứng xử trong trường học, giảm bớt cuộc thi không cần thiết để tránh áp lực cho cả người dạy và người học.

Chia sẻ về môi trường làm việc, điều cô Đỗ Kim Phượng trăn trở là số trẻ có vấn đề ngôn ngữ, tự kỷ và tăng động… có xu hướng tăng. Gia đình chưa chấp nhận tình trạng của trẻ để thăm khám bác sĩ, hay tư vấn chuyên gia, phối hợp cùng giáo viên can thiệp sớm. “Hiện, lớp tôi có 4 bé biểu hiện bất thường về ngôn ngữ, tự kỷ, tăng động. Tôi kiêm nhiệm thêm tổ phó chuyên môn nên áp lực công việc ngày một nhiều”, cô Đỗ Kim Phượng chia sẻ.

Thầy Ksơr Y Chét hướng dẫn học sinh đọc bài. Ảnh: NTCC
Thầy Ksơr Y Chét hướng dẫn học sinh đọc bài. Ảnh: NTCC

Nỗi lòng nhà giáo ngoài công lập

Là giáo viên trường ngoài công lập, cô Trần Thị Hội - Trường liên cấp Song ngữ Sentia (Hà Nội) cho biết: Chế độ lương và phụ cấp, các trường ngoài công lập đa phần duy trì cơ chế linh hoạt, tùy theo từng trường, nhưng đều công khai và thỏa thuận trước khi ký hợp đồng.

Mức độ lương, phụ cấp như thế nào sẽ được trao đổi rõ cả 2 phía: Nhà trường đưa yêu cầu, mong muốn về chuyên môn, năng lực, thời gian, quy chế; ngược lại, giáo viên tùy vào bằng cấp, chuyên môn đào tạo, đặc biệt là năng lực, kỹ năng làm việc để đề xuất mức lương phù hợp. Đây là “điểm cộng” lớn đối với giáo viên giảng dạy trong môi trường ngoài công lập, do đó họ có thể gắn bó lâu dài với nhà trường.

Tuy nhiên, giáo viên ngoài công lập phải chấp nhận tính cạnh tranh cao. Hằng năm, các trường tuyển thêm giáo viên với 3 lý do: Thiếu giáo viên vì mở rộng và phát triển trường; thiếu giáo viên do không đáp ứng được yêu cầu trong quá trình làm việc; bản thân giáo viên bị áp lực và tự nguyện xin nghỉ.

Về môi trường làm việc, theo cô Trần Thị Hội, trường ngoài công lập đa số đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị học tập khá đầy đủ, hiện đại. Giáo viên giảng dạy trong môi trường này được tiếp xúc với hướng giáo dục mở, chủ động, phát huy hết khả năng, sự sáng tạo để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện.

Thêm một điểm lưu ý, môi trường ngoài công lập, đặc biệt là quốc tế thường có nhiều sự kiện, dự án. Giáo viên như một nghệ sĩ đa năng, kiêm nhiệm nhiều trách nhiệm và công việc: Bộ môn, chủ nhiệm, nhà tâm lý, sáng tạo, người kết nối, truyền thông, đôi khi là nhân viên dọn dẹp, chăm sóc y tế...

Cô trò Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) trong hoạt động ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) trong hoạt động ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ảnh: NTCC

“Là người kinh qua nhiều môi trường, từ công lập, dân lập và quốc tế, tôi luôn mong có thể phát huy được thế mạnh của các môi trường giáo dục khác nhau. Đó là hiện đại về cơ sở vật chất, khai phóng và giáo dục mở về chuyên môn, tâm huyết của bản thân giáo viên và sự tôn trọng, sẻ chia từ các đối tượng cộng đồng khác nhau đối với giáo dục.

Về chế độ chính sách, nên là chế độ tự chủ, tự nguyện, phù hợp với hai bên theo thỏa thuận. Điều này vừa kích thích giáo viên phải không ngừng thay đổi để phù hợp với mong muốn của mình; ngược lại, nhà trường cũng tuyển chọn, giữ được giáo viên có tâm, có tài, đáp ứng được môi trường giáo dục. Do đó, vấn đề không phải là giáo viên muốn gì, mà là giáo viên có thể làm được gì, chế độ đãi ngộ từ phía nhà trường ra sao để phát huy và giữ lại những người phù hợp”, cô Trần Thị Hội chia sẻ.

Cũng nói lên tiếng nói của nhà giáo các trường ngoài công lập, cô Lê Thị Thanh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Phenikaa School (Hà Nội) gửi gắm nhiều vào việc ra đời của Luật Nhà giáo. Trong đó, cô bày tỏ mong muốn Luật Nhà giáo quy định rõ việc giáo viên ngoài công lập được tham gia các chương trình đánh giá và xếp hạng giáo viên, bao gồm cả danh hiệu thi đua. Hiện tại, giáo viên ngoài công lập chỉ được áp dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.

Cùng với đó, Luật Nhà giáo cho phép giáo viên ngoài công lập được tham gia khóa đào tạo nâng cao trong nước, gồm cả khóa ngắn hạn cấp chứng chỉ và cơ hội đào tạo nâng bằng cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ, cùng với cơ hội tham gia đào tạo tại nước ngoài.

“Nhà nước tiếp tục có thêm chính sách để cải thiện đời sống của nhà giáo; điều chỉnh về chính sách lương giáo viên để phù hợp với mức phí sinh hoạt trong thực tế. Đồng thời, mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ và thấu hiểu nhiều hơn từ phía phụ huynh và xã hội đối với thầy cô và nghề giáo”. - Cô Đỗ Thị Linh - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-cua-doi-moi-giao-duc-post660967.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-cua-doi-moi-giao-duc-post660967.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục