Phiên dịch viên là ngành học thiếu hụt một lượng nhân sự đáng kể mỗi năm dù thu nhập thuộc top cao.
Ngành học quan trọng trên thị trường
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu nhân sự phụ trách việc biên phiên dịch ngày một tăng cao. Đáng nói, dù phiên dịch không còn là ngành nghề mới, nhưng thị trường vẫn đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự đảm nhiệm công việc này mỗi năm. Theo các chuyên gia, lý do dẫn đến tình trạng này là vì yêu cầu về chất lượng phiên dịch viên cho các hội nghị, buổi đàm phán kinh doanh,... ngày một tăng cao mà lực lượng nhân sự hiện có chưa thể đáp ứng được.
Vậy công việc phiên dịch viên là gì và người học cần bổ sung những kiến thức gì để trở thành một phiên dịch viên chất lượng?
Hiểu đơn giản, phiên dịch là công việc chuyển các văn bản hoặc thông tin trong các cuộc hội thoại từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà vẫn giữ đúng ý nghĩa của chúng. Những người làm việc trong ngành phiên dịch thường được gọi là phiên dịch viên. Do tính chất công việc liên quan đến việc truyền tải thông tin bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau nên đòi hỏi nhân sự ngành này phải có trình độ nhất định.
Cụ thể, để theo đuổi và thành công trong nghề phiên dịch, người học phải có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với loại ngôn ngữ mà bản thân lựa chọn. Ví dụ, nếu làm phiên dịch viên tiếng Anh, bạn cần có các chứng chỉ IELTS, TOEIC hay TOEFL. Với tiếng Trung, bạn cần có bằng HSK, TOCFL,... Tiếng Hàn cần có TOPIK, KLAT hay KLPT,... Chưa hết, một phiên dịch viên giỏi không chỉ thành thạo về ngôn ngữ mà cần có các kỹ năng mềm quan trọng phục vụ cho quá trình làm việc như: Kỹ năng giao tiếp, đàm phán, khả năng xây dựng quan hệ,…
Hiện nay, có rất ít trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành phiên dịch viên. Tuy nhiên, người học có thể đăng ký vào các nhóm ngành đào tạo liên quan đến ngoại ngữ rồi lựa chọn các học phần về Biên - Phiên dịch trong chương trình học.
Một số trường đại học nổi tiếng về đào tạo ngôn ngữ phải kể đến như: Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội hay Đại học Hà Nội,... Những trường này đều chương trình đào tạo nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha tiếng Ấn Độ,...
Lương ''khủng'', cơ hội việc làm tốt
Các chuyên gia nhận định, thị trường Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn với nguồn nhân sự ngành phiên dịch ngoại ngữ, đặc biệt là các nhân sự được đào tạo bài bản, có kỹ năng và chuyên môn xuất sắc. Không những vậy, cơ hội việc làm của ngành phiên dịch viên ngày một phong phú và đa dạng hơn trong bối cảnh đầu tư và thương mại toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2017 – 2025, mỗi năm thị trường cần thêm 1.000 biên, phiên dịch.
Nhân sự ngành phiên dịch có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế lớn, các công ty đa quốc gia, ngành du lịch, Bộ Ngoại giao, các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình. Chưa hết, không chỉ có thể làm việc trong nước, mà nhân sự ngành này còn có cơ hội phát triển tại các doanh nghiệp đa quốc gia với mức lương ''khủng'' .
Với tiềm năng phát triển và tầm quan trọng của của nghề phiên dịch, thu nhập của nhân sự ngành này thuộc top cao và ổn định. Các dữ liệu thống kê cho thấy mức lương ngành phiên dịch hiện khá cao, trung bình từ 10 – 15 triệu/tháng. Người mới bắt đầu công việc cũng có thể nhận mức lương 8-10 triệu đồng. Với thông dịch viên tại các sự kiện, hội nghị cấp cao, mức lương có thể lên đến 60 USD – 300 USD/ngày, từ mức độ cơ bản cho đến cao cấp.
Tổng hợp