Học đường

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học "không mất tiền", còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng

Ánh Lê, 04/07/2024 13:26

Theo học ngành này, sinh viên vừa được hỗ trợ học phí, vừa được nhận trợ cấp hàng tháng.

Sư phạm là ngành khoa học về giáo dục và giảng dạy trong trường học, đào tạo ra các thế hệ thầy cô và đội ngũ cán bộ cho các cơ sở giáo dục. Nói cách khác, người theo đuổi ngành Sư phạm sẽ tham gia vào sự nghiệp trồng người và đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề, lĩnh vực của xã hội. Nếu bạn là một người yêu thích việc truyền đạt kiến thức đến người khác thì trở thành giáo viên là một lựa chọn vô cùng phù hợp.

Ngành học này có khá nhiều chuyên ngành tương ứng với các bậc học và các môn học khác nhau như Sư phạm mầm non; Sư phạm tiểu học; Sư phạm các chuyên ngành tại các cấp học cao hơn. Thí sinh có thể dựa vào năng lực và nguyện vọng của bản thân để chọn ra một chuyên ngành phù hợp với mình.

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học không mất tiền, còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng - Ảnh 1.

Khi học ngành Sư phạm, sinh viên sẽ được nghiên cứu về hoạt động giảng dạy và đào tạo con người, chủ yếu dựa trên kiến thức của Tâm lý học giáo dục và khám phá các khía cạnh khác như: phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá và phản hồi, lý thuyết giảng dạy. Bên cạnh đó, sinh viên ngành này cũng thực hiện đánh giá các mục tiêu của nền giáo dục, qua đó đưa ra phương pháp phù hợp để đạt được các mục tiêu đó.

Theo học ngành Sư phạm, sinh viên cũng sẽ không phải quá lo ngại vấn đề việc làm. Bởi theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước đó, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045).

Có thể thấy triển vọng nghề nghiệp rộng mở cũng là một yếu tố đáng để các thí sinh cân nhắc lựa chọn theo đuổi học ngành này.

Đầu vào cao, được hỗ trợ học phí

Nhiều năm trở lại đây, nhóm ngành Sư phạm luôn có điểm chuẩn xét tuyển đại học và cao đẳng khá cao. Đây là ngành vô cùng cao quý, góp phần đào tạo ra những thế hệ học sinh đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước nên rất được Đảng, Nhà nước quan tâm và có những quy định để được chọn lọc kỹ càng.

Theo đó vào ngày 21/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định về việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2023.

Cụ thể, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học không mất tiền, còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng - Ảnh 2.

Trong quá trình học tập, sinh viên ngành sư phạm cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định như được hỗ trợ học phí và nhận trợ cấp hàng tháng.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên ngành này sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, mức hỗ trợ học phí của sinh viên sư phạm là trợ 3,63 triệu đồng/tháng, bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học. Thời gian hỗ trợ chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Tuy nhiên, để nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường, cụ thể là: Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm được xem là sự đầu tư của nhà nước cho ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đây cũng là cách ghi nhận vai trò và tầm quan trọng của nghề giáo viên trong xã hội.

Tuy nhiên, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm hiện nay ở Việt Nam chỉ áp dụng với một số trường sư phạm công lập và có những điều kiện nhất định. Chính sách này vẫn đang được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Vừa được tăng lương, hưởng nhiều quyền lợi khi làm việc

Để thu hút người trẻ gắn bó với nghề, từ năm 2024, nhiều chính sách giáo dục về lương, thưởng, chế độ có lợi cho nhà giáo sẽ được thực thi. Cụ thể, Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), từ ngày 1/7/2024.

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học không mất tiền, còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng - Ảnh 3.

Bảng lương giáo viên Mầm non từ 1/7/2024. Ảnh: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học không mất tiền, còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng - Ảnh 4.

Bảng lương giáo viên Tiểu học từ 1/7/2024. Ảnh: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn

1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học không mất tiền, còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng - Ảnh 5.

Bảng lương giáo viên Trung học phổ thông từ 1/7/2024. Ảnh: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Với lương cơ sở mới này, từ ngày 1/7, lương của đội ngũ giáo viên cũng sẽ tăng từ 3,78-12,2 triệu đồng/tháng lên khoảng 4,91-15,87 triệu đồng/tháng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất. Người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng/tháng. Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, dao động 4,91-11,44 triệu đồng/tháng (tùy bậc).

Theo báo Lao Động, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc điều chỉnh mức lương cơ sở lên 30% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách gắn với lương cơ sở. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; đóng góp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng từ ngày 01/07/2024, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, giáo viên được hưởng 8 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp ưu đãi theo nghề; Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.

Sư phạm là một nghề cao quý, đóng góp vào sự nghiệp trồng người và phát triển xã hội. Các chuyên gia đánh giá đây là ngành học rất khát nhân lực và đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm nên sinh viên hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội việc làm cũng như mức lương sau khi tốt nghiệp.

(Tổng hợp)

Theo Đời sống & Pháp luật
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/1-nganh-thieu-hon-118-000-nhan-luc-vua-uoc-quoc-hoi-tang-luong-i-hoc-khong-mat-tien-con-uoc-tro-cap-them-gan-4-trieu-thang-a441386.html
Copy Link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/1-nganh-thieu-hon-118-000-nhan-luc-vua-uoc-quoc-hoi-tang-luong-i-hoc-khong-mat-tien-con-uoc-tro-cap-them-gan-4-trieu-thang-a441386.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
1 ngành thiếu hơn 118.000 nhân lực, vừa được Quốc Hội tăng lương: Đi học "không mất tiền", còn được trợ cấp thêm gần 4 triệu/tháng