Chương trình môn Giáo dục công dân cấp THPT đang có nhiều nội dung tích hợp, lồng ghép. Do đó, để bảo đảm đủ số lượng tiết học theo chương trình khung, không làm tăng nội dung chương trình học, việc cung cấp kiến thức về PCTN cho học sinh còn hạn chế.
Nhiều trường thiếu giáo viên dạy Giáo dục công dân và hầu hết không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, thường kiêm nhiệm giảng dạy môn học khác. Trong khi đó, PCTN là nội dung mới, khó, nên tổ chức giảng dạy, phân công giáo viên, phân bổ thời gian, chuyển tải nội dung giáo dục theo yêu cầu của Chỉ thị gặp không ít khó khăn.
Ảnh minh họa/ INT |
Với trường đại học, cao đẳng, do thời lượng giảng dạy lồng ghép nội dung PCTN hạn chế nên giảng viên không thể đi sâu vào các vấn đề khoa học. Một số trường triển khai còn hình thức, một số đại học vùng giao cho đại học thành viên triển khai thực hiện.
Về kinh phí, tại cơ sở giáo dục, do nội dung PCTN được giảng dạy lồng ghép nên hầu hết không bố trí kinh phí riêng cho công tác này. Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục còn lúng túng trong dự toán kinh phí thực hiện Chỉ thị. Cũng do kinh phí eo hẹp nên nhiều trường chưa tổ chức được hoạt động ngoại khóa về nội dung PCTN và các hoạt động khác có liên quan ...
- Ông có thể cho biết về phương hướng, giải pháp, đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao thực hiện Chỉ thị số 10 trong thời gian tới?
- Về phương hướng, giải pháp, trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, Chính phủ sẽ có chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn, Bộ GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10 theo chiều sâu tại các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý để nâng cao nhận thức chung về PCTN; ban hành, cung cấp tài liệu cho người học, giáo viên, giảng viên; ban hành hướng dẫn dạy học tích hợp PCTN với chương trình môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (Chương trình GDPT 2018).
Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra; tiếp tục cung cấp bổ sung tài liệu các tình huống về PCTN phù hợp; hỗ trợ tổ chức tập huấn, giúp cơ sở giáo dục trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy về PCTN.
Với các sở GD&ĐT, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ, cần chỉ đạo cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện đưa nội dung PCTN vào chương trình chính khóa, bảo đảm thời lượng theo quy định; tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa; lựa chọn hình thức phù hợp lồng ghép giảng dạy về PCTN.
Đồng thời, tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nội dung PCTN; cung cấp tài liệu, thông tin về tham nhũng cho giáo viên. Khuyến khích giáo viên các môn khoa học xã hội lồng ghép giáo dục đạo đức liêm chính, pháp luật về PCTN vào giáo án; sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiệu quả.
Lãnh đạo các cấp, nhà trường quan tâm, chỉ đạo sâu sát thực hiện Chỉ thị số 10. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Biểu dương khen thưởng kịp thời cơ sở giáo dục, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 10…
Về đề xuất, kiến nghị: UBND các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo về PCTN. Quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ sở giáo dục trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy PCTN. Bộ Tài chính cần bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị triển khai Chỉ thị 10 theo quy định.
Với cơ sở giáo dục THPT: Hiệu trưởng các trường tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Giao tổ nhóm chuyên môn tổ chức dự giờ các tiết dạy có nội dung tích hợp về PCTN. Bố trí kinh phí để mua tài liệu cho giáo viên…
- Xin cảm ơn ông!