10 năm thực hiện nghị quyết 29: Trường sư phạm đồng hành cùng đổi mới

25/02/2024, 11:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hệ thống các trường sư phạm đã có những đóng góp quan trọng.

Tuy nhiên, để tiếp tục đồng hành hiệu quả cùng đổi mới, bên cạnh nỗ lực tự thân, cần có những giải pháp về chính sách quyết liệt, triệt để hơn.

Chuyển động tích cực

Theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ GD&ĐT, đến nay, toàn quốc có 135 cơ sở có đào tạo giáo viên, trong đó 15 trường đại học sư phạm và 20 trường cao đẳng sư phạm, với tổng số 31 ngành ở trình độ đại học và 1 ngành Giáo dục mầm non ở trình độ cao đẳng.

Các trường sư phạm đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học giáo dục, coi trọng hơn rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Việc bồi dưỡng năng lực sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện thiết bị hiện đại để đổi mới phương pháp dạy học ở nhiều trường, khoa đào tạo giáo viên đã chú trọng, trình độ ngoại ngữ giảng viên ngày càng cải thiện.

Cơ sở vật chất các trường sư phạm được quan tâm đầu tư. Phần lớn đơn vị xây dựng trường hoặc cơ sở thực hành sư phạm tạo điều kiện tốt về môi trường học tập, rèn luyện, thực hành, thực tập nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm như hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, chế độ cử tuyển với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Để thu hút người học có năng lực và phẩm chất phù hợp ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT đã thực hiện quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Từ năm 2018 đến nay, chỉ tiêu đào tạo giáo viên được xác định theo nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo theo ngành và trình độ. Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đây là chính sách mới trong việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở các bậc học từ mầm non đến THPT.

Đánh giá về đóng góp của hệ thống trường sư phạm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường sư phạm.

Theo đó, để hiện thực hóa chủ trương từ Nghị quyết 29, 7 trường sư phạm đã hợp tác chặt chẽ trong thiết kế chương trình đào tạo, trao đổi, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm; tư vấn chính sách, cùng các đơn vị của Bộ GD&ĐT tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên… Nhìn chung, thông qua hợp tác, năng lực các trường ngày càng mạnh; đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý gần gũi với phổ thông hơn, từ đó công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông từng bước chuyển đổi tích cực.

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong mạng lưới 7 trường sư phạm chủ chốt. Nhà trường đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị cấp quốc gia, quốc tế; chủ động tham gia biên soạn, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cử chuyên gia tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa…

Đặc biệt, trường là đơn vị tiên phong trong đổi mới chương trình đào tạo, nhất là mở mới các ngành đào tạo đáp ứng môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ - Tin học,…

Điều đáng nói, đến nay nhà trường có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều địa phương, đơn vị chức năng triển khai tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên các cấp. Chất lượng tuyển sinh của nhà trường nhiều năm tốt. Với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, năng động; chương trình đào tạo đổi mới, cập nhật, nên chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được cơ sở tuyển dụng phản hồi tích cực. Đây được xem là yếu tố quyết định đối với công cuộc đổi mới GD&ĐT.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh NTCC
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Ảnh NTCC

Còn khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh đóng góp và kết quả đạt được, PGS.TS Võ Văn Minh thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đối với hệ thống trường sư phạm. Trước hết, chủ trương đổi mới GD-ĐT theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ, phương thức giáo dục, đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa GD-ĐT, nhưng 10 năm qua đầu tư cho GD-ĐT còn thấp. Các trường sư phạm hầu như phải xoay xở để phát triển nguồn nhân lực, cải tiến chương trình đào tạo, kiểm định, mua sắm trang thiết bị trong phạm vi “ngân khố” hạn chế. Đó là vấn đề vô cùng khó khăn.

“Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là chủ trương lớn, ảnh hưởng rộng, tính chất nền tảng, căn bản là thay đổi từ triết lý giáo dục…, thế nhưng các bên liên quan chưa thông suốt, cùng hợp lực. Vấn đề chính sách đối với sinh viên sư phạm là ví dụ.

Bên cạnh đó, tiền lương nhà giáo chưa được ưu tiên “xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW chính là trở lực lớn đối với việc thu hút người giỏi vào học sư phạm cũng như nhà giáo giỏi gắn bó lâu dài với nghề.

Để đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT nói chung, chất lượng giảng viên trường sư phạm hết sức quan trọng. Trong khi áp lực đổi mới lớn, công việc nhiều mà thu nhập không thay đổi, rõ ràng rất khó cho các nhà trường”, PGS.TS Võ Văn Minh trăn trở.

Còn theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh, thời gian qua, các trường sư phạm được chú ý và có đầu tư trong điều kiện chung của đất nước. Tuy vậy, chưa thực hiện ưu tiên đầu tư và xây dựng một số trường trọng điểm. Tình trạng phân tán vẫn diễn ra, chậm khắc phục. Chính vậy, chúng ta chưa có trường mang tính chất đầu tàu thực sự.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ đã tác động tích cực và số học sinh thi vào trường sư phạm có chất lượng tốt hơn. Tuy vậy, việc triển khai còn lúng túng, bất cập cần tháo gỡ. Cơ chế cử tuyển hiện nay gặp những khó khăn và tình trạng thiếu giáo viên một số môn diễn ra, nhất là các tỉnh miền núi, vùng khó.

Đáng tiếc, đầu tư hơn nữa cho các trường sư phạm và xây dựng trường trọng điểm chưa được triển khai vào thực tiễn. Trong tình hình khó khăn của đất nước, cần có những trường mang tính đầu tàu thì chúng ta chưa làm được. Một hệ thống chỉnh thể, trong đó gắn đào tạo sư phạm và nghiên cứu khoa học giáo dục để tạo sức mạnh, ảnh hưởng sẽ tốt hơn bỏ ngỏ.

Ngoài khó khăn, bất cập trên, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắc đến sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đâu đó vẫn ở mức độ; còn tư tưởng đổi mới là nhiệm vụ và giao phó cho ngành Giáo dục. Tác động chính sách đối với nhà giáo và quản lý giáo dục còn chậm so với sự thay đổi thực tiễn cuộc sống. Khi chưa giải quyết một cách cơ bản về thu nhập thì các đòi hỏi khác không dễ thực hiện.

Cũng chia sẻ khó khăn từ thực tiễn hoạt động của Trường ĐH Đồng Tháp, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho biết, hiện nhà trường gặp khó việc giao số lượng người làm việc, hợp đồng lao động hằng năm từ Bộ GD&ĐT trong tuyển và sử dụng viên chức. Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút, “giữ chân” giảng viên trình độ cao, nhà khoa học giỏi công tác lâu dài tại trường.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC

Kiên trì mục tiêu và kiên quyết sáng tạo

Trả lời câu hỏi “Các trường sư phạm, trong đó có Trường ĐH Đồng Tháp cần gì và làm gì để góp phần cùng ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện?”, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh trước tiên đến phát triển đội ngũ giảng viên để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, chú trọng hoạt động tuyển dụng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, tạo môi trường làm việc…

Mặt khác, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên theo phương châm “sự phát triển về đội ngũ của nhà trường gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học”. Chú trọng xây dựng mạng lưới liên kết đội ngũ giảng viên với các trường đại học.

Bên cạnh phát triển đội ngũ giảng viên, trường sư phạm cần tiếp tục khai mở và vận dụng hiệu quả bí quyết tự chủ, quản trị đại học tiên tiến. Với Trường ĐH Đồng Tháp sẽ tận dụng lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng hiệu quả, nhanh, quy mô lớn.

Tiếp tục khai thác tiềm năng về khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên của trường để đẩy mạnh đổi mới hoạt động giáo dục; chú trọng hơn nữa đổi mới sáng tạo. Lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản lý; khai thác lợi thế trường đại học đa ngành. Tiếp tục phát huy tiềm năng đội ngũ viên chức và người học; đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng và nhà trường; tăng cường hợp tác, kết nối với nhà tuyển dụng, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia…

“Chúng tôi tiếp tục xây dựng nền tảng phát triển của Trường ĐH Đồng Tháp với hồn cốt là “Tinh thần Dong Thap University”: Tâm thế chủ động, không tự bằng lòng vị thế đang có mà luôn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội mới để có vị thế cao hơn; tạo dựng hệ sinh thái giáo dục Trường ĐH Đồng Tháp với sự năng động, tính học thuật cao, khai phóng, nghĩa tình và ngập tràn niềm vui, hạnh phúc”, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Cũng chia sẻ về giải pháp, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, kiên định. Các trường sư phạm là nơi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công cuộc đổi mới. Muốn có đóng góp hiệu quả, trước hết bản thân mỗi trường sư phạm phải tự đổi mới và thường xuyên đổi mới, cập nhật. Nhà trường cần gắn bó chặt chẽ với cơ sở giáo dục địa phương, coi đó là đích đến của đầu ra.

“Muốn công tác đào tạo, bồi dưỡng tốt trước hết các trường cần có đội ngũ, cơ sở vật chất tốt hơn; tất nhiên phải phụ thuộc vào điều kiện đất nước và có ưu tiên thực sự. Nội bộ của mỗi trường cần làm tốt hơn nữa về cải tiến chương trình, cách thức đào tạo; là nơi hiện thực hóa chương trình giáo dục phổ thông đến cơ sở giáo dục. Đồng thời, dự báo, đi trước xu thế tiến bộ của giáo dục bằng cách tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và ứng dụng vào thực tiễn”, GS Nguyễn Văn Minh lưu ý.

Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, đổi mới giáo dục là quá trình tiến hóa chứ không phải cuộc cách mạng, nên các trường cần kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết sáng tạo để thích ứng với thế giới nhiều biến động, không lệch hướng đổi mới.

Để đổi mới thành công, trước hết cần cả hệ thống chính trị, xã hội thấu hiểu, cùng hợp lực để GD-ĐT thực sự là “quốc sách hàng đầu, sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân” và để đầu tư cho giáo dục thực sự đúng nghĩa là “đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Mặt khác, mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung cần quy hoạch, sắp xếp hợp lý theo không gian, đặc biệt cần xác định các trường trọng điểm nằm ở trung tâm lớn, thuận lợi đối với tuyển sinh cũng như thu hút nguồn lực. Với các trường sư phạm, cần tiếp tục kết nối chặt chẽ, hợp tác chia sẻ để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong bối cảnh cách mạng số, trí tuệ nhân tạo phát triển… không có nghĩa giáo viên mất việc mà cần “tinh nhuệ” hơn. Giáo viên là “nghệ sĩ tâm hồn”, “người truyền cảm hứng” chứ không phải “máy dạy”. Do vậy, trong bối cảnh mới đòi hỏi năng lực giáo viên phải cao hơn rất nhiều. Để làm được điều đó, các trường sư phạm phải nỗ lực nhiều hơn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành công của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. - PGS.TS Võ Văn Minh

Bài liên quan
Học phí y khoa tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong 10 năm
Ngoài 108 trường y khoa do Chính phủ Ấn Độ quản lý, chi phí giáo dục y tế tại nước này vô cùng đắt đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm thực hiện nghị quyết 29: Trường sư phạm đồng hành cùng đổi mới