18 trường đại học chung tay xây dựng giảng đường an toàn

Lan Anh | 07/12/2022, 17:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 7/12, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Giảng đường an toàn”.

Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về thành lập, vận hành mô hình “Giảng đường an toàn” được thực hiện tại 8 trường đại học gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Mở TP HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Hồng Đức.

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15/11/2022 - 15/12/2022).

Việc thực hiện và nỗ lực chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ dù đã được nhiều quốc gia cam kết, nhưng cứ 1 trong 3 phụ nữ trên toàn thế giới cho biết đã từng trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời. Nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong lĩnh vực luật pháp và chính sách, cũng như cải thiện dịch vụ cho những người trải qua bạo lực.

Công tác phòng ngừa và nhu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề cũng ngày càng được tập trung hơn. Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất vẫn là sự tồn tại của các thái độ, chuẩn mực và hành vi gây ra những định kiến tiêu cực và tình trạng chấp nhận bạo lực đối với phụ nữ. Đây cũng chính là nhiệm vụ được các bên bàn thảo tại tọa đàm.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hùng Anh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất khoảng cách giới trong 20 năm qua và đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề về bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại, đặc biệt là tỉ lệ bạo lực đối với phụ nữ. Ngành giáo dục hiện có khoảng 25 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, trong đó hơn một nửa là nữ giới.

Ngành đã có những chính sách, văn bản chỉ đạo để thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học, khuôn viên trường đại học. Cùng với đó, ngành hướng tới xây dựng chính sách riêng cho các trường đại học.

Những số liệu và bài học thu được trong quá trình thực hiện dự án sẽ làm cơ sở có giá trị cho các nhà quản lý giáo dục, ban hành những chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn, không bạo lực cho sinh viên.

Đại diện 18 trường đại học trên toàn quốc tham dự tọa đàm đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới.

Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới, trong đó có việc quấy rối tình dục trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.

Bài liên quan
Võ sư Vovinam từ bỏ sự nghiệp thi đấu để gắn bó với giảng đường
Là người đam mê võ học, quyết định rẽ lối trở thành thầy giáo của Hồ Ngọc Lợi - trưởng môn Vovinam Trường Cao đẳng FPT Polytechnic khiến nhiều người tò mò và ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
18 trường đại học chung tay xây dựng giảng đường an toàn