19 thiên hà xoắn với độ chi tiết chưa từng có trong hình ảnh của James Webb

R.T | 31/01/2024, 17:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST) vừa công bố hình ảnh của 19 thiên hà xoắn tương tự Milky Way, với các sao, khí và bụi được thể hiện chi tiết một cách đáng kinh ngạc.

JWST, được phóng vào ngày Giáng sinh năm 2021, có khả năng chụp ảnh những đối tượng ở rất xa với độ chi tiết chưa từng có trước đây. Máy ảnh cận hồng ngoại và trung hồng ngoại giúp kính thiên văn "nhìn" thấy ánh sáng trong phổ hồng ngoại, vốn không thể nhìn thấy bằng mắt người. Điều này cho phép các nhà khoa học xác định được những đám mây bụi và các vật thể ẩn bên trong chúng - hoặc các vật thể xa đến mức ánh sáng mà chúng phát ra quá yếu để các kính thiên văn thông thường có thể nhìn thấy.

Các thiên hà xoắn trong những hình ảnh này có khoảng cách từ 15 triệu đến 60 triệu năm ánh sáng tính từ Trái Đất, theo Reuters đưa tin. Những hình ảnh này cho thấy những thiên hà đó chứa đầy sao, hiển thị dưới dạng những chấm sáng màu xanh nhỏ. Một phần số sao này phân tán khắp những cánh tay xoắn đặc trưng của các thiên hà dạng này, trong khi những sao khác tập trung ở trung tâm của các thiên hà. Theo Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA), có bằng chứng gợi ý rằng các thiên hà xoắn phát triển từ trong ra ngoài, vì vậy những cụm màu xanh này ở lõi của các thiên hà có thể cho thấy những cụm sao già hơn, trong khi những cánh tay có thể chứa các sao trẻ hơn.

Hình ảnh tổng hợp 19 thiên hà xoắn mà James Webb vừa công bố.

Cũng trong những hình ảnh này, có thể thấy các đám mây màu đỏ và cam, là bụi bao quanh các ngôi sao. Những cấu trúc dạng cầu là tàn tích của những ngôi sao đã phát nổ. Trong một số hình ảnh, ánh sáng màu hồng và đỏ phát ra từ lõi của các thiên hà. Ánh sáng đó có thể đến từ các lỗ đen siêu nặng, những khu vực tập trung khối lượng gấp hàng trăm ngàn lần Mặt Trời của chúng ta.

Những hình ảnh mới này được thuộc về một dự án kéo dài, cuộc khảo sát vật lý ở độ phân giải góc cao trong các thiên hà gần (viết tắt là PHANGS). Mục tiêu cuối cùng của dự án là để hiểu rõ hơn về cơ chế vật lý của quá trình hình thành sao. Số lượng "chưa từng có" của các sao được chụp trong những hình ảnh này đang giúp nhóm nghiên cứu của PHANGS dần đạt được mục tiêu đó.

"Các sao có thể sống hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ năm," Adam Leroy, giáo sư thiên văn học tại Đại học Bang Ohio ở Columbus và thành viên của PHANGS, cho biết. "Bằng cách lập danh sách chính xác tất cả các loại sao, chúng tôi có thể xây dựng một cái nhìn toàn diện và đáng tin cậy hơn về vòng đời của chúng."

R.T
Theo Livescience

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
19 thiên hà xoắn với độ chi tiết chưa từng có trong hình ảnh của James Webb