20/11 đặc biệt với người làm nghề giáo

Thu Hoài | 20/11/2021, 11:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

“Là một giáo viên trẻ mới vào nghề, tôi cảm nhận rất rõ về những khó khăn mà giáo viên và học sinh phải trải qua. Tôi nghĩ 20/11 năm nay sẽ còn đặc biệt hơn rất nhiều với những thầy cô giáo công tác lâu năm”.

Năm 2021, học sinh không được đến trường, các chương trình kỷ niệm không được diễn ra. Thậm chí, nhiều bạn còn chưa được gặp gỡ thầy cô của mình. Chính vì vậy, ngày 20/11 năm nay trở nên vô cùng đặc biệt. Hầu hết, các thầy cô chỉ được gặp gỡ, giao lưu và trò chuyện với học trò của mình thông qua màn hình nhỏ.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt phát đi những lời ca, tiếng hát, đoạn thơ, câu vè,... để tôn vinh những người làm nghề giáo.

Ngày xưa, khoảng cách giữa thầy và trò là rất xa. Vì trong mắt trò, những người thầy luôn là những bậc tôn nghiêm, tôn kính, cần phải răm rắp nghe theo. Còn ngày nay, quan hệ thầy trò trở nên gần gũi hơn, cởi mở hơn rất nhiều. Thầy trò cùng nhau trao đổi, chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau để có thể hiểu và yêu thương nhau hơn. 

20/11-2

Trong bài rap “Thầy Nam” của rapper Gonzo có câu “Trước khi trở thành một nhà giáo huấn/ Tôi cũng từng là học trò/ Trước khi đủ kiến thức dạy người khác/ Tôi đã từng ngày học mò”.

Có thể nhận thấy, với mỗi người giáo viên, việc trở thành một người dạy học đều phải trải qua quá trình vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng chắc chắn, khoảng thời gian rèn luyện đó sẽ vô cùng ý nghĩa khi nghĩ về.

Chia sẻ với Giáo dục thủ đô, thầy Đỗ Viết Nam - Giáo viên trường THPT Tân Lập - Đan Phượng - Hà Nội tâm sự: “Thanh xuân của mỗi người trọn vẹn và tươi đẹp hơn nhờ có bạn bè và thầy cô đồng hành. Với tôi, 12 năm đi học thì 20/11 luôn là khoảng thời gian vô cùng vui nhộn và ý nghĩa với mỗi tập thể lớp. 

Nếu phải chọn ra một kỉ niệm đáng nhớ nhất thì có lẽ là lần cuối cấp, năm lớp 9, nhân dịp 20/11 thì chúng tôi có đến nhà cô giáo làm bánh gối liên hoan vào ngày cuối tuần. Đợt đó đứa nào đứa nấy cũng luống cuống khi vào bếp, í ới nhau đi chợ chuẩn bị rồi lại hò hét nhau nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp. Và đặc biệt là nhà cô giáo ngay sát sân trường nên chúng mình còn mang cả bánh sang cho bác bảo vệ. 

Khi đó mấy đứa nói vui với nhau rằng mang bánh sang "hối lộ" và xin bác bảo vệ cho cả lớp vào trường chơi, may sao được bác đồng ý. Thế là cả khoảng trời cây xanh rợp bóng chỉ có lớp tôi chạy nhảy, đuổi nhau, chơi keo chơi vây, huyên náo cả một góc sân trường vắng lặng trong ngày nghỉ cuối tuần. Gần 10 năm trôi qua, giờ nhớ lại tôi thực sự mong muốn có một vé du hành thời gian trở lại những những ngày cuối cấp ấy”.

Thậm chí, thầy Nam còn tiết lộ trước đây thầy là một trong những học sinh vô cùng quậy phá của lớp nên không thể hiểu được tại sao thầy cô hay trách mắng học sinh “nước đổ đầu vịt”. Chính nhờ việc học tập, rèn luyện và làm việc trong môi trường sư phạm như hiện nay thầy mới thực sự thấu hiểu sự bao dung và những câu chuyện bài học cuộc sống mà các thầy cô đã chia sẻ với học trò.

Thầy Nam chia sẻ thêm: “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay chưa từng có tiền lệ, vì diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. 

Là một giáo viên trẻ mới vào nghề được ba năm, thì tôi đã có hai năm "gắn bó" với dịch covid-19. Tôi cảm nhận rất rõ về những khó khăn mà giáo viên và học sinh phải trải qua. Tôi nghĩ 20/11 năm nay sẽ còn đặc biệt hơn rất nhiều với những thầy cô giáo công tác lâu năm. 

20/11-1.jpg
Thầy Đỗ Viết Nam - giáo viên trường THPT Tân Lập - Đan Phượng - Hà Nội

Năm nay, trường tôi đã hoàn thiện kế hoạch tổ chức trực tuyến, thầy trò gặp gỡ nhau qua màn hình, sẽ không có những bó hoa được trao tận tay, không được nhìn và nghe các tiết mục văn nghệ vinh danh nghề giáo, tri ân người đưa đò của cả thầy và trò, sẽ rất nhớ. Thực lòng giáo viên ai cũng mong được gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh của mình. Việc không thể tổ chức trực tiếp ngày này vì dịch bệnh là điều không ai mong muốn”.

Thầy Nam cho rằng trong thời đại 4.0 này, dù ngày 20/11 có được thể hiện bằng hình thức nào đi chăng nữa thì tấm lòng chân thành của các em học sinh, sinh viên gửi đến người thầy của mình đều là điều đáng quý.  

Chia sẻ về những món quà tinh thần mà mình được nhận, thầy Nam cảm thấy vô cùng háo hức bởi học sinh của mình vẫn gửi những tin nhắn chúc mừng vô cùng ý nghĩa. Thậm chí, thầy còn hào hứng chia sẻ về hoạt động của 1 CLB trong trường.

“Tôi rất vui khi các bạn trong CLB truyền thông của trường đã tổ chức một hoạt động trực tuyến mang tên "Hộp thư Cối Xay Gió" để các bạn học sinh có cơ hội tỏ bày lòng biết ơn bằng những tin nhắn, bưu thiếp hay thư điện tử,... tới những người thầy của mình. Tôi tin rằng dù tất cả những điều này có thể không cầu kỳ nhưng đủ làm ấm áp trái tim những thầy cô giáo”, thầy Nam nói.

20/11.jpg
Thầy Đỗ Viết Nam cùng học sinh lớp A11

Có thể nói, ngày nay, sự sáng tạo của các bạn học sinh, sinh viên ngày càng lớn. Mặc dù không được gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp nhưng các em vẫn tạo ra rất nhiều điểm đặc biệt, hấp dẫn dành tặng thầy cô của mình. Hàng loạt những lời chúc hay, ý nghĩa, những clip, sự kiện được đăng tải trên các kênh truyền thông đại chúng. 

Nhân ngày 20/11, thầy Nam gửi lời chúc đến tất cả những người thầy: “Tôi xin chúc các thầy cô giáo luôn dồi dào tâm – trí – lực, để ngày càng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp lái đò, đào tạo nên những lớp học sinh tài năng, sáng gương nhất”

Bài liên quan
Cô Hiệu trưởng tâm huyết sáng tạo của quận Ba Đình
(GDTĐ) - Tháng 6/2006, cô Phạm Thanh Hoa được cấp trên điều động về làm Phó hiệu trưởng và nay là Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Số 3-Quận Ba Đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
20/11 đặc biệt với người làm nghề giáo