Giáo dục

3 bộ sách giáo khoa môn Toán lớp 12: Gỡ khó cho học sinh

01/09/2024 07:47

Tháng 7 vừa qua, giáo viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia tập huấn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Cá nhân tôi có theo dõi ba bộ sách giáo khoa môn Toán lớp 12 của ba nhóm tác giả, từ đó có những nhận xét và đề xuất để hoàn thiện hơn.

Phù hợp với địa phương

Nội dung của ba bộ sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, hiện đại và thiết thực. Nó phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đào tạo học sinh của mỗi địa phương; đồng thời thể hiện rõ năng lực chung của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục với từng địa phương. Ngoài tính kế thừa, nội dung còn gắn với thực tế cuộc sống và phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của mỗi địa phương.

Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa có tính mở giúp nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên linh hoạt, tự chủ khi bổ sung những nội dung kiến thức đặc thù, gắn với tình hình thực tế dạy học. Những bài toán khó và lắt léo mang tính hàn lâm trước đây trong sách cũ thì trong sách mới lần này không đưa vào. Mặc dù, phân chia từng chương của mỗi bộ sách khác nhau nhưng đảm bảo được lượng kiến thức mà Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Ba bộ sách còn có tính liên thông. Mỗi bài học trong từng chương có sự sắp xếp đơn vị kiến thức từ dễ đến khó. Trước khi vào bài mới luôn có ví dụ thực tiễn để dẫn dắt nhằm gây hứng thú và tò mò cho học sinh. Các em lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên mà không có tính gượng ép. Sau mỗi đơn vị kiến thức luôn có ví dụ minh họa giúp học sinh củng cố kiến thức. Lượng bài tập trong từng bài và cuối mỗi chương rất phong phú và đa dạng. Đồng thời, sách có đưa thêm một số bài toán thực tiễn giúp học sinh biết vận dụng toán học vào cuộc sống.

So với các lần cải cách trước đây, lần này sách cả ba bộ có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể tôi cảm nhận được rằng sách trình bày rất đẹp, chữ in to rõ ràng, chất lượng giấy in tốt sử dụng được lâu dài, nhiều hình ảnh thực tế đẹp, màu sắc phù hợp giúp học sinh dễ quan sát. Tạo ấn tượng tốt cho học sinh và giáo viên. Kinh hình và kinh chữ trong từng bài được bố trí hài hòa làm nổi bật bài học.

Phù hợp với tổ chức dạy và học

Như nói ở trên, ba bộ sách giáo khoa được trình bày khoa học, rõ ràng, hấp dẫn, dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lí lứa tuổi học sinh qua từng bài học, đồng thời đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình, có tính giáo dục và thẩm mĩ cao.

Ngoài ra, sách có chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức; bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết nhiệm vụ học tập và trong thực tiễn cuộc sống. Lượng kiến thức trong sách giáo khoa được tinh gọn và bỏ bớt những phần kiến thức khó nên không gây quá tải. Ví dụ trong chương khảo sát và vẽ đồ thị hàm số học sinh không học các bài toán liên quan đến khảo sát và vẽ đồ thị, trong chương nguyên hàm và tích phân học sinh không học các phương pháp tính tích phân.

Mỗi bài học trong ba bộ sách giáo khoa có khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, rèn kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Hướng đến việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực người học.

Cả ba bộ sách thiết kế bài học rất sinh động, ngôn từ rõ ràng và lập luận chặt chẽ giúp giáo viên dễ dạy, lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Sách giáo khoa cả ba bộ được tiết chế thành 6 chương là phù hợp, ngoài nội dung kiến thức thì có thêm hoạt động trải nghiệm giúp giáo viên tạo hứng thú học cho học sinh cảm nhận được sự gần gũi của toán vào cuộc sống.

Nội dung kiến thức trong ba bộ sách giáo khoa có sự phân hóa phù hợp từng đối tượng học sinh mà giáo viên cần truyền đạt cho học sinh. Có nhiều hình thức và phương pháp đánh giá, thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn công cụ đánh giá mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục. Sách giáo khoa có kèm sách bài tập, nguồn tài nguyên, học liệu điện tử... để hỗ trợ giáo viên trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học.

Những điều cần thay đổi

Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Mặt khác, phụ huynh mong muốn khi cải cách sách giáo khoa là để con em họ học một chương trình nhẹ nhàng hơn, đồng thời có thời gian tham gia các hoạt động khác như thể thao, ca nhạc, hội họa…

Cá nhân tôi cùng các đồng nghiệp qua hai năm trực tiếp dạy học chương trình Toán 10 và Toán 11 đều nhận thấy lượng kiến thức trong sách giáo khoa vẫn còn nặng cho học sinh. Tuy kiến thức không đào sâu như sách cũ nhưng vẫn khó là do nhiều đơn vị kiến thức. Học sinh học chưa thẩm thấu để hiểu đơn vị kiến thức này thì lại học sang đơn vị kiến thức khác vì đã học xong kiến thức đó rồi. Có những công thức trong chương thống kê học sinh khi học thì nhớ và hết học thì quên vì lằng nhằng khó nhớ nhưng trong thực tế ta chủ yếu quan tâm đến số trung bình và số trung vị mà ít quan tâm đến các số đặc trưng khác.

Vậy nên, theo tôi, đối với chương trình Toán lớp 10 để nhẹ nhàng cho học sinh thì nên cân nhắc bỏ bài Hypebol và bài Parabol; chương trình Toán 11 nên cân nhắc chuyển chương thống kê lên chung chương thống kê của lớp 12, nó liền mạch kiến thức và học sinh mới dễ nhớ; chương trình Toán lớp 12 nên cân nhắc bỏ chương xác suất vì nó khó đối với học sinh, hơn nữa bậc phổ thông không cần học sâu đến vậy.

Trong thực tế, học sinh chỉ dùng kiến thức xác suất của lớp 10 và lớp 11 là đủ giải quyết, còn lượng kiến thức xác suất của lớp 12 là thừa nên chuyển lên đại học để nghiên cứu là hợp lý. Khi bỏ chương xác suất thì bổ sung thêm chương số phức cho phù hợp với toán học hiện đại. Hơn nữa, học số phức để học sinh biết được toàn bộ các tập hợp số, trong máy tính cầm tay người ta cũng cài số phức vào rồi.

Lần cải cách này, với phương châm là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và hướng học sinh dùng toán học để giải quyết các bài toán thực thế trong đời sống hàng ngày. Mỗi chương nhóm tác giả của ba bộ sách nên giới thiệu một vài đề kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ để giáo viên tham khảo và nhà trường làm căn cứ chỉ đạo chuyên môn, đồng thời mặt bằng kiến thức giáo viên giữa các vùng miền tiệm cận với nhau hơn.

Trong quá trình tập huấn nhiều giáo viên băn khoăn hướng ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và đề thi tốt nghiệp THPT nên đặt rất nhiều câu hỏi đến những người tập huấn. Nếu ra đề theo kiến thức trong sách giáo khoa thì đơn giản, còn dư âm ra đề theo lối cũ thì ít nhiều gây khó khăn cho học sinh.

Và cuối cùng, hiện nay, giáo viên trên toàn quốc soạn theo mẫu giáo án mới của Bộ GD&ĐT. Nên cân nhắc mỗi bộ sách cần có file word nó giúp giáo viên thuận tiện soạn giáo án và giảng dạy.

Bài liên quan
Tặng sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho 2 trường tiểu học Phú Mỡ và Xuân Hải
Ngày 25/9, Công ty CP Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GD&ĐT trao tặng sách giáo khoa, thiết bị dạy học năm học 2024 - 2025 cho Trường tiểu học Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) và Trường tiểu học Xuân Hải (TX Sông Cầu) tỉnh Phú Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 bộ sách giáo khoa môn Toán lớp 12: Gỡ khó cho học sinh