Giáo dục

3 nguyên tắc cốt lõi khi xây dựng quy chế thi vào lớp 10

07/10/2024 21:01

Gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém là một trong 3 nguyên tắc cốt lõi mà Bộ GD&ĐT xác định khi xây dựng quy chế thi vào lớp 10 THPT công lập.

3 nguyên tắc cốt lõi

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 (chiều 7/10), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ về một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025 sẽ khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (từ lớp 1 đến lớp 12), Thứ trưởng cho biết, năm học này công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT sẽ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6, tháng 7/2025.

Vì thế, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Việc ban hành Quy chế thi ở thời điểm này sẽ sớm hơn ít nhất 3 tháng so với thông lệ của nhiều năm trước. Qua đó, tạo điều kiện cho thầy – trò trong dạy – học.

Dự kiến, tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi. Ngày 15/10 tới đây sẽ đăng tải rộng rãi về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10.

Về công tác chuẩn bị, Thứ trưởng cho biết, riêng về tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ GD&ĐT xác định 3 nguyên tắc cốt lõi khi xây dựng quy chế thi vào lớp 10 THPT:

Thứ nhất, gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Đây là quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; nhất là ở nội dung về đổi mới kiểm tra đánh giá. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, phải thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện. Làm sao để học sinh có phẩm chất và năng lực, giúp các em đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT, hoặc nếu các em chuyển đổi phân luồng, đi học nghề thì cũng có những nền tảng về phẩm chất, năng lực để có thể học, thực hành nghề nghiệp ngay.

Ngoài ra, môn thi, phương thức thi cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá cuối kỳ. Làm sao để các em có đầy đủ phẩm chất, năng lực các môn học Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và các môn công cụ, phương tiện như: Ngoại ngữ, Tin học…, bảo đảm phù hợp với xu thế đổi mới và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô là, Bộ GD&ĐT quy định về khung, điều lệ… để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các sở GD&ĐT.

thivao10-2304.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo.

Cần có sự thống nhất

Từ ba nguyên tắc cốt lõi trên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng quy chế thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 với những nội dung cơ bản, gồm:

Về phương thức thi, có 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển và phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tất cả những nội dung này thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.

Nếu số lượng thi tương đương với số lượng học sinh có nhu cầu vào lớp 10, nghĩa là cung - cầu phù hợp, thì không nhất thiết phải tổ chức thi tuyển, mà có thể xét tuyển…

Về môn thi. Bộ GD&ĐT đưa ra phương án: Ngữ văn và Toán là hai môn bắt buộc. Môn thứ ba là một trong những môn còn lại (môn có đánh giá theo điểm) do sở GD&ĐT tham mưu, đề xuất và UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

Về thời gian thi, cũng cần thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu.

Về công tác ra đề, coi thi, chấm thi… Để xây dựng nội dung này, Bộ GD&ĐT đã có khảo sát, tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng trong 10 năm qua. Qua đó cho thấy, nếu không có quy định khung thì công tác quản lý có thể xảy ra những bất cập.

Qua khảo sát, thống kê cho thấy, đa số là các tỉnh lựa chọn ba môn thi vào lớp 10. Có khoảng 3 đến 4 tỉnh lựa chọn thi hai môn. Hiện, môn thi thứ ba chưa có quy định thống nhất nên khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý, cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn cố định môn thi thứ ba, có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Điều đó dẫn tới các em không chuẩn bị đầy đủ về phẩm chất, năng lực để học lên THPT và những bậc tiếp theo, cùng với đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề khác. Cho nên, Bộ đang lấy ý kiến về với môn thứ ba ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Về thời gian thi, Thứ trưởng nhận thấy, có sở GD&ĐT tổ chức thi ngôn Ngữ văn, Toán là 120 phút. Có nơi thi môn Toán, tiếng Anh 90 phút nhưng cũng có nơi thi tiếng Anh 60 phút. Tức là “trăm hoa đua nở” nên nguyên tắc là, cần có sự thống nhất về thời gian của môn thi.

Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư, với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cơ sở và dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất về quản lý nhà nước, tính khoa học về đánh giá; đồng thời đảm bảo đầu ra theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với từng cấp học. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 của giai đoạn trước, việc tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 cần bảo đảm tính ổn định, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bài liên quan
Giúp giáo viên làm quen với đổi mới của môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10
Giáo viên quận Hoàn Kiếm hào ứng tham dự hội nghị tập huấn Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn lớp 9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 nguyên tắc cốt lõi khi xây dựng quy chế thi vào lớp 10