Giáo sư Dennie Palmer Wolf - chuyên gia nghiên cứu về năng lực phát triển nghệ thuật ở trẻ nhỏ của trường Đại học Havard đã hợp tác với Nhà hát Carnegie Hall, Manhattan, Mỹ thực hiện một nghiên cứu có tên "Vì sao âm nhạc lại quan trọng" về vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ.
Trẻ biết cảm nhận âm nhạc, đặc biệt như là dậm chân, vỗ tay, nhún nhảy và di chuyển theo nhạc, có thể phát triển khả năng điều khiển hoạt động cơ thể theo hướng tốt nhất. Thậm chí những trò chơi hay bài hát đơn giản cũng giúp hình thành sự kết hợp giữa trí óc và cơ thể. Nếu trẻ chơi nhạc cụ khi lớn hơn, khả năng này tiếp tục phát triển. Tất cả các yếu tố này cấu thành mối liên kết quan trọng giữa nhiều khu vực của não bộ, giúp con người thực hiện những hành động và tương tác phức tạp.
Âm nhạc cũng giúp xây dựng tình cảm. Thậm chí những lời bập bẹ khi mới biết nói và âm thanh tạo ra khi chơi đùa cũng giúp phát triển các định hướng thần kinh nghe và nói ở trẻ. Trẻ sơ sinh được nghe âm thanh trực tiếp và tương tác với mình có thể biết nói sớm hơn và phát triển vốn từ phong phú hơn khi 1 tuổi.
Các nhà nghiên cứu từng dành thời gian quan sát các lớp học nhạc và múa đã phát hiện những đứa trẻ tham gia hoạt động nghệ thuật phát triển tình cảm theo hướng tích cực và có khả năng kiểm soát tình cảm tốt hơn.
Âm nhạc cũng có ích cho khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với các bạn đồng trang lứa. Âm nhạc, với nhịp độ và tiết tấu, lời ca và điệp khúc giúp trẻ hiểu được các "quy tắc" sống chung với mọi người. Âm nhạc cũng có thể giúp định hình cấu trúc tương tác xã hội cho trẻ từng gặp tổn thương tâm lý hay tự kỷ.
Cuối cùng, âm nhạc mang lại niềm vui và hứng khởi. Những tình cảm tích cực này là yếu tố quan trọng nhất của con người: giúp thu hút người khác, cải thiện tâm trạng, và giảm bớt nỗi buồn.
4. Trò chuyện với con mỗi ngày
Những khác biệt về phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ sống trong môi trường ngôn ngữ phong phú với trẻ nhỏ trong môi trường thiếu ngôn ngữ đã được chỉ ra trong Nghiên cứu Hart & Risley năm 1995 và sau đó Nghiên cứu LENA kiểm chứng năm 2008.
Nghiên cứu Hart & Risley đã chỉ ra rằng "bố mẹ nói chuyện càng nhiều với trẻ, vốn từ của trẻ càng phát triển nhanh hơn và điểm số bài kiểm tra IQ của trẻ càng cao hơn từ sau ba tuổi". Một đứa trẻ có bố mẹ "hay nói" nghe được 45 triệu từ trong bốn năm đầu đời, trong khi trẻ có bố mẹ "ít nói" chỉ nghe được 13 triệu từ, vì vậy sau bốn năm sự khác biệt sẽ lên tới 30 triệu từ.
Nghiên cứu LENA cũng chỉ ra, bố mẹ của trẻ từ 0-4 tuổi nói càng nhiều và số cuộc hội thoại phát sinh càng lớn thì khả năng ngôn ngữ của những đứa trẻ đó càng phát triển. Những đứa trẻ thông minh nhất – chiếm khoảng 10% - nghe được nhiều hơn 191 từ mỗi ngày và tham gia vào nhiều hơn 18 cuộc trò chuyện mỗi giờ so với những trẻ kém thông minh hơn.