4 từ khóa
Ý kiến từ cơ sở, cô Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên), cho rằng: Quy định cẩn trọng về dạy thực nghiệm SGK là cần thiết. Bởi SGK viết ra mà chưa được dạy thực nghiệm mới chỉ là viết từ ý tưởng của nhóm tác giả, nhà nghiên cứu. SGK phục vụ cho người học ở lứa tuổi học sinh, người trực tiếp dạy là giáo viên phổ thông, nên khi được đưa ra dạy thực nghiệm sẽ bộc lộ rõ ưu, nhược điểm của sách.
Qua thực nghiệm, nội dung SGK được thể hiện trong quá trình tổ chức dạy học sẽ thấy được sự phù hợp hay không với phương pháp dạy học của giáo viên; năng lực nhận thức, tư duy và sự tương tác của người học; văn hóa các vùng miền... Thực nghiệm SGK cần phải làm thật tốt, thật cẩn thận để đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm hiện đại, có tính kế thừa, tính bền vững.
Cùng quan điểm thực nghiệm SGK là hết sức cần thiết, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, nhìn nhận: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Qua thực nghiệm để biết được SGK đã phù hợp, đáp ứng yêu cầu và đạt được mục tiêu của chương trình hay chưa, còn điều gì cần chỉnh sửa; đồng thời đánh giá sự phù hợp trong cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên, sự tham gia vào hoạt động học của học sinh để qua đó đánh giá tính khả thi của Chương trình, SGK mới.
Với thực nghiệm SGK, là thành viên Ban biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh đến 4 từ khóa, đó là: Tự trọng - Trách nhiệm - Công tâm - Khách quan. Điều đầu tiên PGS Nguyễn Thị Thu Hoài lưu ý là đối tượng thực nghiệm (trường/học sinh/giáo viên) cần có sự lựa chọn ngẫu nhiên, tránh chỉ định theo ý chủ quan của nhà xuất bản, hoặc cơ quan quản lý để bảo đảm tính khách quan của kết quả thực nghiệm. Cùng với đó, phải có những minh chứng, sự giám sát chéo và thật cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT (thậm chí xây dựng và sử dụng thang đo đánh giá SGK). Nếu chỉ lấy kết quả dựa trên báo cáo thì khó có sự thay đổi tích cực và khó tránh được “sạn” trong SGK.
PGS Nguyễn Thị Thu Hoài cũng cho rằng: Các đơn vị biên soạn SGK cần công khai link bài thực nghiệm và tiết dạy thực nghiệm của giáo viên để lấy ý kiến phản hồi từ các cơ sở. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến từ cơ sở phải được thực hiện nghiêm túc dưới sự giám sát của ban giám hiệu và các tổ chuyên môn để tránh hình thức, lãng phí.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT cần có quy định ràng buộc trách nhiệm một cách nghiêm túc với các nhà xuất bản, tác giả SGK, đặc biệt Hội đồng thẩm định chuyên môn về chất lượng của SGK đưa vào sử dụng. Nhóm tác giả và Hội đồng thẩm định phải thực sự am tường về giáo dục phổ thông, tâm lý lứa tuổi, có chuyên môn sâu về môn học, để bảo đảm SGK có chất lượng và đúng định hướng đổi mới giáo dục; tránh hiện tượng nhà xuất bản tham gia lựa chọn Hội đồng thẩm định...