1. SỰ THỐNG TRỊ Ở MÔN BÓNG ĐÁ
Với Đại hội thể thao Đông Nam Á, bóng đá vẫn là môn thi đấu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ. Và tương tự SEA Games 30 trên đất Philippines, U23 Việt Nam và tuyển nữ Việt Nam tiếp tục giành trọn bộ huy chương vàng. Có điều, chúng ta đánh bại đối thủ trực tiếp Thái Lan ở cả 2 trận chung kết.
Xét về tính thuyết phục, tuyển nữ Việt Nam gần như không cho Thái Lan cơ hội nào. U23 Việt Nam dù gặp khó khăn nhưng cũng biết cách phong tỏa đối thủ và giải quyết trận đấu bằng một tình huống cụ thể. Hai tấm huy chương vàng danh giá này là sự kết thúc hoàn hảo cho SEA Games 31 với Đoàn thể thao Việt Nam.


2. ĐOÀN THỂ THAO VIỆT NAM PHÁ KỶ LỤC
Trước SEA Games 31, Indonesia là quốc gia giữ kỷ lục khi giành được 194 huy chương vàng ở kỳ Đại hội năm 1997. Trong khoảng 10 năm gần đây, nhìn chung, khoảng cách giữa các nền thể thao trong khu vực đã được rút ngắn đáng kể. Do vậy, không dễ để Đoàn thể thao Việt Nam có thể bứt phá và thực tế chúng ta cũng chỉ đặt mục tiêu giành 140 huy chương vàng.

Nhưng suốt những ngày diễn ra Đại hội, chính sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ và tinh thần dân tộc giúp nhiều vận động viên chơi thăng hoa, vượt qua giới hạn của bản thân. Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 huy chương vàng, chính thức trở thành đoàn thể thao giành nhiều huy chương nhất trong lịch sử một kỳ SEA Games.
Đặc biệt, chúng ta đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn thể thao Olympic, có tính phổ cập cao. Đây là nét đổi mới về tư duy của chủ nhà Việt Nam được nhiều đoàn nước bạn ghi nhận.
3. "BIỂN NGƯỜI" TẠI CẨM PHẢ, THIÊN TRƯỜNG
Sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Thiên Trường (Nam Định) xứng đáng là 2 sân đấu đẹp nhất tại SEA Games 31. Tại Nam Định, dù không có sự hiện diện của U23 Việt Nam nhưng bầu không khí lễ hội đã được người dân thành Nam mang đến sân Thiên Trường. Tất cả các trận đấu tại bảng B và trận bán kết giữa Thái Lan gặp Indonesia đều kín khán giả.
Thậm chí, sân Thiên Trường phải đóng cửa từ nhiều giờ trước trận đấu khi lượng khán giả là quá đông. Các đội bóng như U23 Singapore, U23 Thái Lan, U23 Campuchia và đặc biệt là U23 Lào đều đã dành những lời cảm ơn đến với người hâm mộ Nam Định. Chưa có kỳ SEA Games nào mà các trận bóng đá không có chủ nhà lại sôi động như vậy.

Tương tự, sân Cẩm Phả khiến tất cả những người theo dõi môn bóng đá nữ phải bất ngờ. Để sở hữu tấm vé mời vào sân, nhiều khán giả phải xếp hàng xuyên đêm. Các khán đài sân đấu này ngập tràn sắc đỏ và giúp tinh thần của tuyển nữ Việt Nam tăng cao đáng kể. Các đội bóng nữ khác đều nhận được sự cổ động từ chừng 5.000 khán giả mỗi trận dù không có chủ nhà Việt Nam thi đấu.
4. NHỮNG MÔN THỂ THAO MỚI ĐƯỢC ĐÓN NHẬN
SEA Games 31 chứng kiến những bước phát triển của các môn thể thao vẫn còn mới mẻ như futsal, esports hay bóng rổ. Đây là các môn thể thao mà nhiều người trẻ đang quan tâm và khi xuất hiện tại SEA Games 31 đã tạo ra một làn sóng đặc biệt.
Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam (tổ chức futsal) và Nhà thi đấu Thanh Trì (tổ chức bóng rổ) luôn trong tình trạng kín khán giả suốt SEA Games 31.

Đặc biệt, những tấm huy chương và vinh quang được ghi nhận ở môn esports mở ra cho môn thể thao này một cánh cửa mới. Chơi games không chỉ có những điều tiêu cực, nếu chơi games và phát triển đúng cách, đó có thể là một nghề nghiệp mới trong tương lai dành cho người trẻ tại Việt Nam.
5. HÌNH ẢNH VIỆT NAM LAN TỎA ĐẾN BẠN BÈ QUỐC TẾ
SEA Games 31 là phương tiện tuyệt vời để lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến bạn bè trong khu vực. Những khán đài đầy ắp khán giả, sẵn sàng cổ vũ cho tất cả các đoàn thể thao đối thủ là điều mà bạn bè trong khu vực phải “ngả mũ” về người dân Việt Nam. Những tài xế xe ôm công nghệ, các quán ăn... sẵn sàng giảm giá cho phóng viên nước ngoài đang tạo ra sự lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam đã cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID-19. Chúng ta tổ chức thành công kỳ Đại hội này trên nhiều phương diện, đặc biệt là việc xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng chung tay phát triển khu vực Đông Nam Á.