6 đề xuất mở ra không gian phát triển mới cho 'vùng phên dậu' của đất nước

03/12/2023, 10:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía bắc thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển tạo ra động lực phát triển mới cho vùng.

Thứ nhất, cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua và kế thừa, phát huy những nội dung ưu việt trong quy hoạch vùng thời kỳ trước, Quy hoạch vùng TDMNPB đã đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.

Theo đó, đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính và 2 hành lang phụ), 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng. Quy hoạch vùng TDMNPB đã làm rõ phương hướng phát triển của mỗi hành lang, vành đai, các cực tăng trưởng đã được xác định theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và bổ sung hai cực tăng trưởng cũng như cụ thể hóa định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng.

Thứ hai, đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò trọng yếu của vùng. Những đặc trưng này phải được phản ánh trong các mục tiêu phát triển của vùng, là kim chỉ nam định hướng cho các ngành kinh tế trong vùng.

Thứ ba, có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ tư, nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả; cơ cấu ngành nông nghiệp nên tránh nặng về thâm canh lúa với năng suất tuy cao nhưng chi phí lớn và giá trị gia tăng thấp; đảm bảo tài nguyên đất và nước không bị khai thác cường độ cao gây suy thoái và ô nhiễm.

Thứ năm, tăng cường tỉ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng. Ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông – Tây.

Cùng với đó là nghiên cứu mở kết nối quốc tế qua Lào; bổ sung tuyến cao tốc và đường sắt trong vành đai giữa; bổ sung đường kết nối về phía biển nhằm liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, trong đó ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị…

Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng một cách bền vững.

Theo vietnammoi.vn
https://vietnammoi.vn/6-de-xuat-mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-cho-vung-phen-dau-cua-dat-nuoc-2023123747226.htm
Copy Link
https://vietnammoi.vn/6-de-xuat-mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-cho-vung-phen-dau-cua-dat-nuoc-2023123747226.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 đề xuất mở ra không gian phát triển mới cho 'vùng phên dậu' của đất nước