Đối với cấp huyện, có 6 quận thuộc diện sắp xếp do chưa đủ diện tích gồm: quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận.
Ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích, theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong 4 yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:
Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.
Đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Trước đó, hôm 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Thủ tướng nhận định việc sáp nhập là cần thiết.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến sẽ sắp xếp khoảng 33 huyện và khoảng 1.327 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.