Đồng thời, Bộ GD&ĐT thông tin khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn là trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Từ 30/5, lương giáo viên sẽ tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm. Ảnh: Việt Linh. |
Giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.
Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, giáo viên sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.
Cũng tại Thông tư 08/2023, Bộ GD&ĐT cũng sửa yêu cầu phải có bằng thạc sĩ đối với giáo viên tiểu học, THCS hạng I được quy định ở Thông tư 02/2021.
Theo đó, tính từ ngày thông tư có hiệu lực, bộ chỉ yêu cầu bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học và THCS.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo, giáo viên phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học, THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo Thông tư số 08/2023 của Bộ GD&ĐT, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III được điều chỉnh từ 9 năm xuống còn 3 năm, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm.
Do đó, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non cần chú ý đảm bảo tích lũy đủ thời gian theo đúng quy định của bộ.
Thông tư 07/2023 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực thi hành từ 25/5, quy định chương trình đào tạo cao đẳng ngành giáo dục mầm non phải được công khai với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học.
Những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.
Chương trình đào tạo cao đẳng ngành giáo dục mầm non có 2 phương thức, gồm đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học.
Đối với đào tạo chính quy, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo. Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng 6-20h các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
Đối với đào tạo vừa làm vừa học, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo. Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.