“Rõ ràng việc hình thành các bến xe tạm thường không đi kèm với đấu thầu hoặc quy định chặt chẽ, vì thế dễ xảy ra tình trạng mất ANTT, tranh giành các nhóm lợi ích để được quyền trông giữ điểm đỗ đó. Phải có cơ chế quản lý tài chính đẩy đủ, chính xác, rõ ràng công khai với tất cả các điểm đỗ xe”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Vậy, các doanh nghiệp được chính quyền đô thị Hà Nội tin cậy gửi gắm nền dịch vụ trông giữ phương tiện tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường, họ đang hoạt động ra sao, chấp hành theo quy định pháp luật và theo giấy phép được cấp như thế nào?
Người dân đang chi trả phí dịch vụ cho các doanh nghiệp này theo cách nào?
Theo các số liệu chính thức từ Sở GTVT Hà Nội, nguồn thu từ việc cho thuê lòng đường để trông giữ xe trung bình mỗi năm khoảng 45 tỷ đồng. Trong khi đó, chưa có con số chính xác về nguồn thu từ việc cho thuê vỉa hè để trông giữ xe, do số liệu phụ thuộc vào tổng hợp từ 30 quận, huyện, thị xã.
Điều tra độc lập của VOV Giao thông cho thấy, con số này không quá 25,5 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngân sách thành phố thu được dưới 80 tỷ đồng mỗi năm khi duy trì chính sách cấp phép cho các bãi trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè và dưới lòng đường.
Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các cơ quan quản lý cũng không thể biết chính xác doanh thu thực tế của các bãi trông giữ xe. Nguyên nhân do các bãi trông xe thường xuyên thu quá giá quy định, tận dụng và lấn chiếm diện tích được cấp phép, không xuất vé hoặc hợp đồng cho khách thuê.
Thực tế khảo sát vào chiều 13/12/2022 tại bãi đỗ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội trên phố Quán Sứ (đối diện ngõ Hội Vũ), thường xuyên có 2 phụ nữ không mặc đồng phục, bảng tên ra ghi vé, thu tiền. Vỉa hè điểm này bị chiếm trọn bởi ô tô xếp ngang, vi phạm quy định chừa lại tối thiểu 1m-1,5m cho người đi bộ. Có thời điểm, xe đỗ thành 2 hàng từ vỉa hè xuống lòng đường, che cả điểm đỗ xe buýt, phần đường đối diện có biển cấm đỗ nhưng cũng bị tận dụng để thu tiền.
Khi PV ngỏ ý hỏi trông xe theo tháng, có hợp đồng trông giữ xe không, 2 người phụ nữ này lắc đầu, xua tay.
- Chị ơi em hỏi có trông qua đêm không? Đêm ngày bao nhiêu tiền? Xe ô tô?
- Gửi thì đem xe qua đây mới biết.
- Gửi xe đây có hợp đồng không ạ? Ngày gửi ngày không, để qua đêm.
- Hỏi thế khó, ngày là một giá, đêm là một giá. Gửi tháng 3 triệu
- Có hợp đồng không ạ?
- *Lắc đầu, xua tay*
Tương tự, điểm đỗ xe trên phố Trần Bình Trọng (đối diện bảo tàng Công an Nhân dân) cũng chiếm dụng toàn bộ diện tích vỉa hè. Tại điểm này, nhân viên trông xe của Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội chia sẻ “bí mật” về lý do vì sao họ không thích làm hợp đồng vé tháng với khách:
- Em gửi ngày đêm ở đây thế nào anh?
- Em cứ ra sớm có chỗ đỗ, 2 triệu/tháng.
- Em cần hợp đồng có không anh ơi vì xe của công ty
- Không, ở đây trả có hợp đồng gì, đây toàn trông của Công an, hàng tháng cứ ra gửi tiền thôi. Nếu hợp đồng thì sang bên kia.
- Em tưởng đây của khai thác điểm đỗ HN có hợp đồng chứ?
- Thì khai thác điểm đỗ, nhưng hợp đồng em phải thêm là thành 2,5 triệu/ tháng. Phải mất phí, mất phần trăm, mua hóa đơn đỏ. Bình thường viết lấy tay, giờ hợp đồng mất hóa đơn đỏ. Cái gì có 2 mặt của nó.
Nhân viên trông xe thừa nhận đã được công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội “giao khoán” diện tích trông giữ trên vỉa hè
Cùng thời điểm khảo sát ngày 13/12/2022, tại điểm đỗ xe của Công ty cổ phần 901 trên phố Trần Hưng Đạo (trước Cổng Uỷ ban ATGT Quốc gia), không có biển hiệu, bảng niêm yết giá, nhân viên không mặc đồng phục, không đưa vé cho khách, chỉ thu tiền mặt.
- Anh muốn gửi xe ở đây hợp đồng thế nào?
- Em nhận giá 2 triệu, anh oke thì đem ra
- Em có hợp đồng không?
- Mai anh qua đây em gửi hợp đồng.
- Công ty của bạn là gì nhỉ?
- 901 ạ!
Một điểm phức tạp khác của Công ty Cổ phần 901 là trên hè phố Phủ Doãn. Đối diện cổng viện Việt Đức, xe máy bị xếp thành 3-5 hàng, người đi bộ chỉ còn phần đường bề rộng 2 ô gạch để đi. Họ phải len lỏi giữa “rừng” xe máy, chốc chốc lại… hết đường bởi bị chắn từ các hàng quán trà đá bu kín vỉa hè.
Cũng trên tuyến phố này, đoạn đối diện số nhà 59-63 và 67-81, điểm đỗ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh xếp xe tới 5 hàng, lấn chiếm không gian người đi bộ.
Đáng chú ý, len lỏi giữa những điểm được cấp phép dọc theo hai tuyến Phủ Doãn, Triệu Quốc Đạt (đoạn qua cổng viện Phụ sản Trung ương), tồn tại một số điểm trông xe tự phát.
Những sai phạm này không khó để nhận diện. Thanh tra GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2022, lực lượng này đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 683 trường hợp, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng với 3 hành vi vi phạm gồm: Chiếm dụng trái phép lòng đường, chiếm dụng trái phép vỉa hè để trông giữ phương tiện và tổ chức trông giữ phương tiện trái phép.
Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an Quận Hoàn Kiếm
Theo Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an Quận Hoàn Kiếm, lực lượng công an trật tự, giao thông cũng rất quyết liệt khi xử lý 391 trường hợp liên quan trông giữ phương tiện không phép, sai phép, quá giá quy định, phạt gần 1,2 tỷ đồng.
Ông Đang khẳng định, đây là những số liệu biết nói”: “Những bãi xe có giấy phép, chúng tôi xử lý thì tất cả các điểm này đều nhận khuyết điểm, xin hứa, cam kết, thậm chí có nhân viên thu giá vé sai, quá diện tích thì chủ các bãi xe này cũng không hợp đồng cho trông xe những nhân viên này nữa. Tôi cho như thế là rất quyết liệt”.
Nhưng vì sao có tình trạng xử lý rất quyết liệt như vậy, mà các vi phạm vẫn tiếp diễn và tái phạm nhiều lần, dẫn tới nhờn luật?
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân cốt lõi nằm ở lợi nhuận. Số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính (từ 2,5 đến 25 triệu đồng) quá nhỏ bé so với doanh thu thực tế đã trừ đi tiền thuê vỉa hè, lòng đường nộp cho thành phố. Doanh thu thực tế này chảy đi đâu?
Ông Thịnh lý giải: “Chi phí giữ xe có thể lớn hơn nhiều nhưng chúng ta không có phương thức đấu giá cũng như không có quy chế đấu thầu và cách thức quản lý hợp lý cho nên hầu như phí trông giữ xe đó vào túi của các nhóm lợi ích, vì thế lượng thu được của ngân sách nhà nước là rất nhỏ.”
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cũng có cùng chung nhận định. Nhìn từ các bãi giữ xe tạm được cấp phép trên hè phố, lòng đường, nhân viên thu tiền mặt không vé, không hợp đồng, ngang nhiên trông giữ xe quá diện tích, rồi sau đó chấp nhận nộp phạt. Có thể khẳng định, công sản đang bị quản lý lỏng lẻo, dẫn tới nhiều hệ lụy thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn tới các chính sách giao thông đô thị khác, tạo ra một thói quen lệ thuộc nguy hại của chính quyền đô thị vào sự nhếch nhác, thiếu bền vững vào các bãi đỗ xe tạm thời.
“Nếu được thì chỉ một số cá nhân trông giữ ô tô và thu được tiền. Còn mặt lợi ích chung, lợi ích xã hội của cả cộng đồng, cả thành phố thì đã mất vì mục tiêu lâu dài là khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và hạn chế giao thông cá nhân sẽ không đạt được vì nếu người ta sử dụng quá thuận lợi sẽ không ai từ bỏ để chuyển sang giao thông công cộng cả”, Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang nói.
Bức tranh toàn cảnh về ngành dịch vụ trông giữ xe trên hè phố, lòng đường đã rõ. Nhưng vì sao các bãi xe được cấp phép vẫn vi phạm tràn lan, bất chấp các đợt ra quân xử lý, các đợt tuyên truyền cao điểm của truyền thông báo chí?
Có hay không sự ưu ái, châm chước của chính quyền đô thị, lực lượng chức năng cho các doanh nghiệp thân quen?
Tiểu xảo nào thường được áp dụng để ăn gian diện tích đỗ xe, trộn lẫn bãi không phép vào bãi có phép?./.