Thầy Tống Thiên Long cho biết: Niềm vui như nhân đôi khi nhận tin đề tài dự thi của học sinh trường mình đoạt giải và nằm trong top 10 toàn cầu. Đầu tiên, các em đã lĩnh hội tốt kiến thức được các thầy dạy và biến kiến thức đó vào ứng dụng công nghệ. Tôi cũng biết có rất nhiều nơi tổ chức hiến máu nhân đạo, nhưng việc tổ chức đó đôi khi không thường xuyên và liên tục nên sẽ dẫn đến tình trạng chậm.
“Vì vậy, chúng tôi đặt câu hỏi là vì sao chúng ta không kết nối tất cả mọi thứ. Khi có vấn đề, chỉ cần bệnh viện báo cần máu là sẽ có một thông báo tự động gửi về điện thoại những người đã đăng ký tình nguyện hiến máu, nếu có điều kiện thì họ sẽ đến luôn. Câu hỏi này gửi đến đội thi và các em đã nỗ lực cố gắng hoàn thành ý tưởng của thầy giao bằng chính kiến thức khoa học công nghệ của mình” – thầy Hiệu trưởng Tống Thiên Long cho biết.
Chia sẻ về những trải nghiệm trong quá trình tham gia cuộc thi, Nguyễn Anh Hào, thành viên đội thi Humanitarian Sky-Line, cho hay: Cuộc thi giúp chúng em thể hiện được sức mạnh của công nghệ. Ý tưởng của thầy giáo là sử dụng AI tìm kiếm và kết nối thông qua dữ liệu đã cho trước để tìm ra nhóm máu phù hợp, giúp cho bệnh nhân có máu nhanh nhất. Bắt tay vào làm, nhóm em lúc đó đang ôn thi tốt nghiệp, nhưng cũng biết cách chia thời gian để thực hiện đề tài. Em hiểu đề tài thầy giao rất ý nghĩa, vừa giúp chúng em ứng dụng kiến thức học được vào thực tế. Thêm nữa, đề tài có ý nghĩa nhân văn, rất đời sống và nếu sau này có thể phát triển thành hiện thực thì sẽ rất tuyệt vời, có thể gọi là một dự án xã hội.
Sau khi có ý tưởng, nhóm các bạn Trần Nguyễn Diệu Khê, Nguyễn Anh Hào, Nguyễn Phú Hoàng Long, Tô Đình Nhật Anh và Nguyễn Quang Minh đã hiện thực hóa công việc của mình. Phần mềm được các bạn viết là dùng trí tuệ nhân tạo, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin từ smartphone để kết nối các bệnh viện với nhau. Khi người bệnh và bệnh viện có nhu cầu về máu, chỉ cần bệnh viện báo cần máu là sẽ có một thông báo tự động gửi về điện thoại những người đã đăng ký tình nguyện hiến máu, nếu có điều kiện thì họ sẽ đến luôn.
“Trong đầu em chưa có giải pháp làm như thế nào, chưa có kiến thức gì về AI cũng như việc hiến máu. Sau khi họp đội với nhau, chúng em về nhà lên mạng tìm hiểu thêm thông tin vì thời gian dịch bệnh nên không thể đi lại các bệnh viện. Sau đó, em bắt đầu học về mảng AI, đọc những thông tin trên mạng, trên trang web của Microsoft. Vậy là chúng em bắt đầu vừa học vừa làm nội dung” - Nguyễn Anh Hào cho biết.
Hào chia sẻ thêm, bản thân sẽ tiếp tục phát triển dự án này trong 4 năm đại học tới đây và sau khi ra trường. Nam sinh này muốn làm việc trong những công ty AI hoặc phát triển thêm những dự án tương tự.
Đồng hành cùng các đội thi là những chuyên gia, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin giàu kinh nghiệm của Microsoft và các đối tác đào tạo. Với hơn 240 ý tưởng gửi về cho Ban tổ chức tại Việt Nam và 107 ý tưởng gửi tới Imagine Cup Junior toàn cầu, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Úc và Ấn Độ) và đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) về số lượng bài tham gia. Đặc biệt, ngoài Sky-Line Humanitarian, đội Suicide Squad của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng và Mindfull Penguins của Trường Trung học Vinschool Ocean Park Hà Nội đã xuất sắc được Imagine Cup Junior 2022 lựa chọn vị trí thứ 2 và 3 trong top 3 của Việt Nam.