“Mỗi một họa sĩ có một cội nguồn văn hóa để quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ, như một phẩm chất tự nhiên. Với Phan Cẩm Thượng thì đó là văn hóa cổ. Tranh của ông đa số là khổ giấy dó 60 x 120cm đã để 20 năm, khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy” - Giám tuyển Vân Vi.
Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi nhận định, họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó. Các hòa sắc ưa thích là màu củ nâu, hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…
Trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, hiện lên trong mắt người xem điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, nên có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới chứ không hề cũ.
Trong tác phẩm “Nàng ấy (2021)”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ rằng: “Ở Bút Tháp thường có những nhà sư trẻ tuổi tham gia phục dịch cho hoàng tộc Lê Trịnh khi tới chùa hành lễ. Họ cũng có khao khát dục vọng như người thường. Bức họa vẽ cô cung phi tự cởi bỏ xiêm y, xung quanh là những nhà sư”.
Cái khó trong việc vẽ giấy dó là sử dụng các khoảng trắng, trắng mà không trống. Tạo hình của Phan Cẩm Thượng cho phép người phụ nữ khỏa thân ở giữa bức tranh, đem lại cảm giác đầy đủ các khối trên da thịt - hoàn toàn bằng việc đi nét mà không cần nhấn đậm nhạt.
Cô gái có một dải lụa màu xanh trên ngực, là một tập tục buộc ngực của phụ nữ quyền quý thời xưa. Trên cơ thể cô mang những hình vẽ hoa văn trang trí rồng phượng. Đây là chi tiết hư cấu của họa sĩ, chứ không phải tục xăm mình như thường thấy.
Bức tranh “Con rồng (2021)” đem đến cho người xem thấy sự mơ mộng và ẩn giấu, cũng là một trong các đặc trưng của tranh Phan Cẩm Thượng. Những tà áo phượng bay lên che bớt một phần thân thể cô gái, khiến bức tranh có cảm giác như đang lơ lửng trong không trung, không hiện thực.
Bức tranh không xuất hiện hình ảnh ông vua, mà chỉ có tấm áo hoàng bào và cô cung nữ. Vua có nhiều cung nữ, cung phi nên không phải ai cũng may mắn được vua thị tẩm. Nỗi cô đơn, sự buồn bã nơi cung cấm và niềm khao khát thông thường của người phụ nữ hiện lên qua từng nét bút đầy tinh tế.
“Hòa sắc của bức tranh này cân bằng trong sự kết hợp giữa hai màu chính, là màu gạch và màu tím nhạt - một cách tự nhiên là bản phối của sự chân phương và sang trọng”, giám tuyển Vân Vi cho hay.
Tác phẩm “Quận chúa áo xanh (2021)” được lấy cảm hứng từ hai nhân vật: Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê - Trịnh được thờ tại chùa Bút Tháp. Bức họa vẽ về cảnh quận chúa Ngọc Cơ áo xanh thêu phượng, phía sau là quận chúa Ngọc Duyên đội mũ, thân trần. Bức tranh toát ra ý niệm thân phận của quý tộc thế kỷ 17 - gửi thân tâm vào cửa Phật.