Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp Việt dè chừng

25/07/2023, 16:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ấn Độ đã có lệnh cấm xuất khẩu với hầu hết các loại gạo trắng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thận trọng trước vấn đề này.

Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã khiến giá lúa trong nước “nhảy múa” khá mạnh. Trong 5 ngày qua, giá lúa OM18 đã tăng 10%.

Cụ thể, vào ngày 20/7, giá lúa tươi OM18 mua tại đồng là 6.300 đồng/kg thì đến 25/7 đã tăng lên 6.900 - 7.000 đồng/kg.

Bà Thảo chia sẻ, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng nguy cơ cũng không hề nhỏ. Điển hình như nguy cơ thiếu hụt gạo nguyên liệu dùng cho sản xuất trong nước, bởi những năm gần đây, Việt Nam đang “chạy theo” chương trình gạo chất lượng cao. Điều này khiến cho gạo sản xuất có giá “nhảy múa”, trong khi gạo thơm các dòng ST thì cũng không nhiều.

Sản xuất gạo tại cánh đồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sản xuất gạo tại cánh đồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tôi nghĩ doanh nghiệp nên bám sát thông tin thị trường, dù có nhiều chuyên gia nước ngoài đã liên tưởng đến cơn sốt gạo đã từng diễn ra vào năm 2008. Các nhà quản lý cần biết rõ lượng tổn thực và tình hình mùa vụ của Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi hai quốc gia này sẽ cho chúng ta thấy được bức tranh tổng thể của thị trường gạo thế giới. Từ đó, Việt Nam sẽ tính toán, đưa ra những bước đi phù hợp để chiến thắng trong chính sách bán hàng của mình”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, chắc chắn Việt Nam không bị ảnh hưởng an ninh lương thực vì sản xuất trong nước luôn dư thừa. Do đó, Việt Nam chỉ cần dự đoán sao cho đúng “đỉnh” để xuất khẩu đúng thời điểm, thu lợi nhiều về cho nước nhà.

Screen Shot 2023-07-25 at 3.27.52 PM.png

Screen Shot 2023-07-25 at 3.27.52 PM.png

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để trở thành điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Ấn Độ cấm xuất khẩu rõ ràng là cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, muốn ngành gạo phát triển bền vững thì ngoài những cơ hội như hiện nay, cần phải nâng cao chất lượng lúa gạo nhằm gia tăng tính cạnh tranh.

Ông Thuận cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới có những biến động phức tạp, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán, các nước bị thiếu lương thực dẫn đến nhu cầu mua dự trữ lương thực tăng thêm.

Ấn Độ - nơi chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu thông báo dừng xuất khẩu đang là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để trở thành điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Theo ông Thuận, dù đang có nhiều thuận lợi nhưng gạo Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức. Điển hình như việc nông dân chưa tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất dẫn đến năng suất và chất lượng lúa chưa cao. Điều này dẫn đến giá bán sẽ khó cạnh tranh hơn.

Cụ thể, nông dân chưa tiếp cận được với nguồn giống xác nhận, do đó năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu, giá thành tăng do lượng giống sử dụng nhiều dẫn đến tăng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ giảm lợi nhuận mà còn có hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, ông Thuận cho rằng, lượng phân bón nông dân sử dụng cũng đang nhiều hơn nhu cầu. Do đó, nông dân có thể giảm lượng phân bón sẽ giúp giảm chi phí, giảm sâu bệnh dịch hại và tránh tình trạng phú dưỡng của đất trồng lúa.

Đối với tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay có nhiều qui trình trồng lúa đáp ứng với yêu cầu về chất lượng của từng thị trường. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa chưa được tiếp cận nhiều với các qui trình này dẫn đến tình trạng lúa hàng hóa không theo tiêu chuẩn cụ thể, do đó không thể xuất khẩu theo đúng thị trường có nhu cầu cụ thể.

Đối với dịch vụ nông nghiệp, ông Thuận cho rằng, dịch vụ nông nghiệp đang chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất lúa tại ruộng. Tuy nhiên, do chưa được tổ chức đồng bộ, dẫn đến lãng phí trong đầu tư khiến hiệu suất sử dụng thiết bị chưa đạt đến mức tối ưu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước; bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.

Với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

ĐẠI VIỆT

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-doanh-nghiep-viet-de-chung-ar808371.html
Copy Link
https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-doanh-nghiep-viet-de-chung-ar808371.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp Việt dè chừng