Tiểu đường

Ăn gì để đường huyết ổn định?

04/08/2024 09:11

Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát việc ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt nhằm hạn chế tăng đường huyết, vậy ăn gì để đường huyết ổn định?

Theo BSCKI Nguyễn Thị Hồng Sâm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trung bình, người bệnh tiểu đường nên ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết và tải lượng đường huyết thấp dưới 55 GL.

Một số loại thực phẩm mà người bệnh tiểu đường có thể tham khảo lựa chọn:

Thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu vitamin và khoáng chất như magie, vitamin B, crom, sắt và folate. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời tốt cho người bệnh tiểu đường.

Khi chọn các thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt như nui, mì, bún, bánh mì người bệnh nên chú ý đọc kỹ thành phần xem bao nhiêu % trong thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, từ đó có thể chọn được thực phẩm tốt nhất với tình trạng sức khỏe của mình.

Ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. (Ảnh minh hoạ)
Ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. (Ảnh minh hoạ)

Yến mạch

Yến mạch là loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ cùng với các khoáng chất thiết yếu như magie, kali, canxi, phốt pho, kẽm và sắt. Yến mạch không chỉ bổ dưỡng, giúp người ăn cảm thấy no lâu mà còn có thể mang lại những lợi ích cụ thể cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường nên lựa chọn yến mạch để thay thế cơm trắng trong các bữa ăn hằng ngày. Do yến mạch được tiêu hóa và chuyển hóa chậm hơn nên khi ăn yến mạch, lượng đường trong máu tăng thấp hơn.

Các loại đậu

Người bệnh tiểu đường nên ăn các loại đậu, chẳng hạn như đậu Hà Lan, đậu đen, đậu xanh. Các loại đậu là lựa chọn phù hợp đối với người mắc bệnh tiểu đường. Các loại đậu chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất như magie và kali. Đậu ngoài có chứa carbohydrate, còn cung cấp hàm lượng đạm thực vật như ½ cốc đậu cũng cung cấp lượng protein tương đương với gần 30 gram thịt/cá/tôm/cua/các loại khác.

Các loại rau

Một số loại rau rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như:

Bông cải xanh: Bông cải xanh chứa chất xơ giúp tạo cảm giác no và đóng vai trò như một prebiotic giúp hạn chế hấp thu glucose và cholesterol, giúp ổn định đường huyết và mỡ máu.

Bí xanh: Người bệnh bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm? Đó chính là bí xanh. Carotenoid (bao gồm lutein và zeaxanthin) trong bí xanh có khả năng hỗ trợ sức khỏe tim mạch và có thể bảo vệ phòng chống một số bệnh lý ung thư. Đặc biệt, bí xanh chứa rất ít calo nhưng lại rất nhiều chất xơ, do đó phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.

Bắp cải: Bắp cải chứa nhiều chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm mà bạn đã ăn, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu tăng cao đột biến. Không chỉ vậy, bắp cải còn chứa nhiều vitamin C giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Rau bina: Giống như tất cả các loại rau lá xanh, rau bina giàu chất dinh dưỡng và rất ít calo. Rau bina cũng chứa các màng gọi là thylakoid, chứa các chất có thể giúp tăng độ nhạy insulin.

Cà chua: Cà chua chứa nhiều lycopene - hợp chất hỗ trợ ổn định mức đường huyết cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Khoai và các loại củ

Khoai lang chứa nhiều vitamin A, vitamin C và chất xơ, có thể giúp thay cho cơm nếu người bệnh đang quan tâm bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm. Thay cho khoai lang, người bệnh tiểu đường cũng có thể ăn khoai tây lượng vừa phải.

Cà rốt cũng là loại củ đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Chất xơ trong cà rốt giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn và làm chậm quá trình chuyển hóa đường trong máu tốt hơn.

Gạo lứt nâu

Gạo lứt chính là đáp án phù hợp với những ai đang thắc mắc xem người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì thay cơm. Gạo lứt chứa chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất có thể giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Chỉ số đường huyết của gạo lứt ở khoảng 50, thấp hơn so với gạo trắng nên đây sẽ là lựa chọn thay thế gạo trắng đáng để cân nhắc.

Như Loan

Bài liên quan
Thanh niên 30 tuổi mắc bệnh tiểu đường, suy thận cấp thừa nhận một sai lầm mà nhiều người Việt mắc phải
Hối hận vì thói quen ăn uống xấu của mình, anh Hạo chia sẻ: "Rất nhiều người trẻ, bận rộn cũng có thói quen uống nước ngọt tăng lực như tôi và tôi hy vọng mọi người sớm thay đổi trước khi quá muộn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn gì để đường huyết ổn định?