Karin Leander, giảng viên cao cấp về Dịch tễ học, Tim mạch và Dinh dưỡng, Viện Karolinska, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu của nghiên cứu cho biết: “Bệnh tim mạch ở một mức độ nào đó có tính di truyền, như được chỉ ra trong các nghiên cứu về cặp song sinh, nhưng rất khó để xác định các gien kiểm soát. Do đó, có một giả thuyết mạnh mẽ rằng đó là sự kết hợp giữa di truyền và môi trường”.
Cô và các đồng nghiệp nghiên cứu của mình đã kiểm tra tác động của sự tương tác giữa lịch sử gia đình và chế độ ăn uống. Trong nghiên cứu, họ tổng hợp dữ liệu từ hơn 40.000 người không mắc bệnh tim mạch.
Trong thời gian theo dõi, gần 8.000 người trong số này mắc bệnh tim mạch. Trong phân tích của mình, các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra rằng, những người mắc bệnh tim mạch mà có họ hàng gần, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột, hoặc có hàm lượng axit béo omega-3 EPA/DHA thấp, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, trên 40%. Nguy cơ cao đối với những người “chỉ” mắc bệnh tim mạch trong gia đình trực hệ là 25%.
Axit béo mà cơ thể không sản xuất được có nhiều trong dầu cá
Theo Karin Leander, vì những axit béo này cơ thể không sản xuất được, nên mức độ EPA/DHA là thước đo đáng tin cậy về lượng dầu cá trong chế độ ăn uống.
Mặc dù đây là một nghiên cứu quan sát trong một lĩnh vực đã có nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nhưng những phát hiện này thể hiện kiến thức hoàn toàn mới.
Karin Leander nói: “Chúng tôi là những người đầu tiên nghiên cứu tác động của sự kết hợp giữa tiền sử gia đình và lượng dầu cá ăn vào bằng cách sử dụng phép đo axit béo”.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội nghiên cứu kết quả và axit béo (FORCE), một mạng lưới gồm hơn 100 nhà nghiên cứu và chuyên gia trên toàn thế giới. Nghiên cứu này bao gồm dữ liệu từ 15 nghiên cứu được thực hiện ở 10 quốc gia khác nhau.