Khi bước sang năm thứ hai, sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM bắt đầu được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế tại bệnh viện tuyến quận. Hành trình đi lâm sàng bắt đầu từ những công việc cơ bản của điều dưỡng như tiêm chích, thay băng, hỏi bệnh, khám bệnh. Không ít lần, Huy phải ngậm ngùi khi bị bệnh nhân từ chối cho thăm khám.
“Mình phải học cách lấy lòng để bệnh nhân cho thăm khám. Bắt đầu từ những việc như đẩy xe lăn cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm, hay đến bệnh viện từ sớm để đo huyết áp, lấy sinh hiệu,... Những việc tuy nhỏ nhặt nhưng bệnh nhân cảm thấy được quan tâm thì dù khó tính đến mấy vẫn sẽ hợp tác với mình”, Huy bật mí.
Mỗi giai đoạn học ngành Y đều có thách thức khác nhau, đòi hỏi bản thân phải thay đổi để thích nghi và trưởng thành. Càng về những năm cuối, guồng quay học - thi - đi lâm sàng khiến cho chàng thủ khoa cảm thấy bị kiệt sức. Một ngày mới của Huy bắt đầu việc đi thực tập lâm sàng, chiều quay lại trường học để học lý thuyết, tối lại quay về bệnh viện trực đêm. Có hôm về nhà lúc tối muộn nhưng vẫn học bài đến khuya rồi sáng lại thức sớm đi tới bệnh viện.
Những lúc vùi đầu vào bài vở, Huy không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về bạn bè đồng trang lứa với công việc làm ổn định, thu nhập khá. Để vượt qua những áp lực đó, chàng trai luôn tự nhủ: “Sáu năm là một hành trình dài đối với sinh viên. Bên cạnh sự quyết tâm và kiên trì rất lớn, mình phải luôn duy trì ngọn lửa đam mê, tìm được sự yêu thích trong việc học cũng như ngành nghề mà bản thân đã lựa chọn”.
Mỗi ngày trôi qua ở bệnh viện khiến chàng thủ khoa trưởng thành hơn. Không chỉ tích lũy thêm kiến thức thực tiễn mà còn được rèn giũa các kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử. Cảm giác được túc trực tại bệnh viện, thăm khám cho bệnh nhân khiến Hoàng Huy thấy bản thân như một bác sĩ thực thụ. Giấc mơ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng bắt đầu từ sở thích rồi lớn dần thành đam mê.
Ký ức khó phai nhất trong thời gian học ngành y phải kể đến giai đoạn cả nước phải cách ly để phòng chống dịch Covid-19. Lúc đó, không chỉ Huy mà nhiều sinh viên y khoa đã tham gia hoạt động theo dõi F0 từ xa. Huy nhớ lại: “Mình tư vấn về thuốc, ăn uống, theo dõi tình trạng sức khỏe hằng ngày để bệnh nhân yên tâm điều trị tại nhà. Việc đồng hành cùng họ từ khi có triệu chứng cho đến lúc khỏi bệnh là điều mình cảm thấy rất tự hào và càng trân trọng nghề y”.
Nhìn lại hành trình 6 năm tại Trường Đại học Y Dược TPHCM, Huy không thể xác định mình yêu nghề từ khi nào. Chỉ biết rằng, tình yêu và sự trân trọng được tích lũy dần dần qua mỗi buổi thực tập, những lần tiếp xúc với bệnh nhân hay các buổi lễ của ngành như Macchabée (lễ tri ân những người hiến thân thể cho y học).
Hoàng Huy cho rằng việc trở thành thủ khoa chỉ là dấu mốc đáng nhớ của chặng đường đã qua và chặng đường tương lai vẫn cần sự nỗ lực và phấn đấu hơn rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, chàng thủ khoa sẽ tiếp tục theo học nội trú để trở thành một bác sĩ nội khoa giỏi.
Ngoài Huỳnh Hoàng Huy là thủ khoa đầu ra năm 2023 ở Khoa Y và toàn trường, Trường Đại học Y Dược TPHCM còn có Nguyễn Thị Diễm Mi, thủ khoa Khoa Răng Hàm Mặt (ngành Kỹ thuật Phục hình răng) xếp loại tốt nghiệp xuất sắc. Hằng năm, Trường Đại học Y Dược TPHCM có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp nhưng số người đạt loại xuất sắc rất hiếm.