Giáo sư Hà Vĩnh Thọ nhấn mạnh, để xây dựng nên một trường học hạnh phúc, mỗi nhà trường và ngành Giáo dục cần hướng đến đảm bảo 6 yếu tố nền tảng quan trọng.
Phải xây dựng một khung chương trình hướng tới sự an lạc của học sinh. Để học sinh giảm bớt sự cạnh tranh, căng thẳng và tập trung quá nhiều vào thi cử hiện nay.
Giáo dục cần hướng đến tổng hạnh phúc quốc gia. Theo đó, chương trình “Trường học xanh của em” là một hướng đi cải cách làm phong phú trải nghiệm học của học sinh. Nó vượt khỏi giới hạn của kiến thức thuần túy mà chạm đến sự đa diện của cuộc sống.
Nó giúp học sinh được tiếp cận gần hơn với môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa, sự hiểu biết, học thuật, mỹ học, tâm linh và đạo đức. Qua đó tạo nên một trải nghiệm giáo dục toàn diện, giúp người học và tất thảy những người tham dự trong quá trình ấy phát triển tối ưu.
Mục đích cao nhất của mô hình giáo dục trường xanh là đạt được sự hội nhập, hài hòa giữa cá nhân và xã hội, giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Chương trình giáo dục sự quan tâm (Call to Care- C2C) là một nghiên cứu giáo dục của Học viện Mind & Life. Chương trình hướng đến giải quyết vấn đề rằng hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta thiếu chú trọng vào việc nuôi dưỡng sự Quan tâm. Ta có thể gọi đây là ‘Cốt lõi giáo dục bị quên lãng’. Lý thuyết và nghiên cứu thừa nhận rằng một nền giáo dục chất lượng cao không chỉ nuôi dưỡng trí năng.
Trường học ngày nay cũng cần nuôi dưỡng sự phát triển của những phẩm chất tích cực, nhân văn. Ví dụ như khả năng tự nhận thức, nhận thức xã hội, sự quan tâm, tình thương. Những phẩm chất này sẽ làm nên một công dân có trách nhiệm, những mối quan hệ lành mạnh và tích cực, công việc có ý nghĩa và sự phát triển tối ưu của một người.
Chương trình giáo dục cảm xúc- xã hội (SEL) là một phần tích hợp trong giáo dục và sự phát triển của con người. SEL là một quá trình mà thanh-thiếu niên và người trưởng thành tiếp thu và ứng dụng những kiến thức, kĩ năng, thái độ để hình thành một cá tính lành mạnh. Có thể quản lý cảm xúc và đạt được những mục tiêu cá nhân và tập thể. Cảm nhận và biểu hiện sự đồng cảm với người khác. Thiết lập và duy trì những mối quan hệ có tính xây dựng. Có khả năng ra những quyết định thể hiện tính trách nhiệm và sự quan tâm.
Giáo dục sự chú tâm trong trường học giúp mang lại các lợi ích như sau: Cải thiện sự chú ý, điều tiết cảm xúc,lòng trắc ẩn và giảm thiểu lo âu căng thẳng.
Giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững, hành động có tính chuyển hóa: Nền giáo dục hướng đến phát triển bền vững (ESD) cần chú trọng hơn vào sự chuyển hóa cá nhân của mỗi người và cách thức để sự chuyển hóa ấy diễn ra...
Mục tiêu của dự án "Trường học hạnh phúc tại Việt Nam" của Học viện Giáo dục Eurasia là hỗ trợ phát triển một khung lý thuyết rõ ràng cùng phương pháp thực hành thực tế cho chương trình đào tạo giáo viên, nhằm giúp họ xây dựng trường học Hạnh phúc, từ bậc Mầm non đến THPT.
Dự án xây dựng nhận thức rằng Hạnh phúc thực sự có thể đạt được nếu học sinh được trao cơ hội để học tập và thực hành 3 thành tố của sự quan tâm. Theo đó, tự quan tâm là học cách phát triển toàn bộ tiềm năng: kiến thức, năng lực, kĩ năng, tài năng, sáng tạo. Đồng thời, quan tâm đến người khác và xã hội là học cách chung sống hòa thuận với người khác và thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa, trở thành công dân có trách nhiệm và đóng góp cho một xã hội hạnh phúc. Cùng với đó, quan tâm đến môi trường và hành tinh là học cách tôn trọng và bảo vệ môi trường sống mong manh của chúng ta và sống chan hòa với tự nhiên.