Bà giáo gần 30 năm xóa mù cho trẻ 'xóm liều'

Nguyễn Tuấn Khang | 23/01/2023, 07:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bằng niềm cảm thương với những số phận đặc biệt, hơn 1/4 thế kỷ qua, cô giáo Côi đã vượt mọi gian nan đi tìm học trò.

Với những học sinh ngổ ngáo, cá biệt, bà Côi phải dùng cái tâm của mình để cảm hóa. Những khi trời mưa gió, các em không đi bán báo, đánh giày được, bà vẫn thường mua thức ăn cho các em. Rồi khi thời tiết chuyển mùa, ngoài giờ lên lớp, bà lại đi xin bạn bè, người thân cho các em manh áo, cái quần dày dặn hơn để mặc khi mùa đông về. Rồi có lần, chứng kiến học sinh của mình bị chủ trọ đến tận lớp đòi tiền vì nợ lâu quá, bà bỏ tiền túi ra để thanh toán giúp.

Thương cho phận đời của học trò, bà Côi khuyên chúng nên trở về địa phương để gần gũi với người thân và không còn phải chịu cảnh lang thang, cơ nhỡ. Lứa học trò ấy về sau có người đã vào trường đại học rồi ổn định cuộc sống. Với bà Côi, đó là niềm động viên, thành quả lớn nhất cho những nỗ lực mà cô và trò đã bỏ ra.

Lớp học đặc biệt của bà Côi đã nhiều lần chuyển địa điểm, bây giờ “dừng chân” tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 (phường Tân Mai) để đón những học sinh bị thiểu năng trí tuệ.

Bà Côi chia sẻ, để dạy được những học sinh đặc biệt, điều tiên quyết đầu tiên là phải hết sức kiên nhẫn. “Nhiều em trí tuệ, tinh thần đều không bình thường. Nếu la mắng các em sẽ rất dễ bị kích động dẫn đến chán nản về sau. Nên để dạy được các em, bản thân mình phải rất nhẹ nhàng, sai thì uốn nắn chứ đặc biệt không được nóng giận dễ làm tổn thương các em”, bà Côi tâm sự.

Ở lớp học của bà Côi, có những trường hợp học sinh, học một chữ cái đến cả tháng trời vẫn không trôi. Vì vậy, bà Côi phải dạy từng học sinh, sau khi thuộc một chữ cái mới tiếp tục dạy những chữ cái tiếp theo.

Bên cạnh những giờ học kiến thức, bà Côi còn dạy các em về những kỹ năng sống, những phép tắc ứng xử trong cuộc sống thường ngày.

Đối với những học sinh đặc biệt của mình, bà Côi bảo không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết, mà gặp người lớn các em biết chào hỏi, biết phụ giúp bố mẹ việc nhà và không quậy phá… Với mỗi trường hợp học sinh có tiến bộ, bà Côi đều động viên, khuyến khích bằng những điểm số 9, 10 hoặc tự bỏ tiền túi ra để mua những món quà nhỏ nhằm khích lệ tinh thần các em.

Bà giáo gần 30 năm xóa mù cho trẻ 'xóm liều' ảnh 3
Hiện, bà Côi đang giảng dạy tại lớp học tình thương bên trong Nhà văn hóa khu dân cư số 2 (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Sống một cuộc đời ý nghĩa

Ngày nào cũng đến lớp, với bà Côi đó là thói quen, là niềm vui khó bỏ. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lớp học phải tạm ngừng, bà Côi nhớ lớp, nhớ học sinh. Bà bảo, những ngày ấy bà thấy bứt rứt, khó chịu trong người. Cả ngày quanh quẩn trong nhà, bà mong dịch bệnh chóng qua để đến lớp với học trò. Nhiều khi nhớ lớp quá, bà vẫn nhờ người chở xuống lớp học để lau dọn vệ sinh và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ chờ đón học sinh trở lại.

Bà Côi bảo, gần 30 năm “gõ đầu” những đứa trẻ đặc biệt, “thù lao” lớn nhất, duy nhất và cũng khiến bà vui mừng nhất đó là sự trưởng thành của những đứa trẻ từ lớp học. Trái ngọt tiêu biểu là 2 học sinh tên Hương và Thủy. Vì gia cảnh nghèo khó, không có tiền đi học sau được bà tìm đến gia đình vận động và nhận vào lớp, hai học sinh này đều đỗ đại học. Cũng có nhiều học sinh từ lớp học đặc biệt ấy mà trưởng thành, lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định. Những học sinh ấy coi bà như ân nhân và giữa bộn bề cuộc sống vẫn lại qua thăm hỏi bà như máu mủ ruột già.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh một cụ bà tóc ngắn ngang vai, tay mang lỉnh kỉnh đồ dùng dạy học di chuyển bằng xe ôm đến lớp để dạy học cho những đứa trẻ khuyết tật đã quá quen với người dân sinh sống tại khu dân cư số 2 phường Tân Mai. Những tiếng đánh vần ê a, tiếng cười đùa của những đứa trẻ khuyết tật mỗi giờ ra chơi trước kia ồn ào, khó chịu nhưng giờ đã hóa thân thương, trìu mến.

Bà Côi bảo, mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống khác nhau và với bà, được thấy những nụ cười hồn nhiên, vô tư và chứng kiến những học trò đặc biệt của mình tiến bộ từng ngày là bà thấy bản thân mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Theo bà Côi, dạy trẻ khiếm khuyết ngoài tình thương, kiên nhẫn, điều cần thiết nữa là sự thường xuyên. Bà Côi hiểu rằng, việc học nếu gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Chính vì thế nên ngay cả những khi thay đổi thời tiết, người yếu, bà vẫn gắng đến lớp. “Đó cũng là cách để tôi làm gương cho các em. Việc học phải thường xuyên mới có ngày tiến bộ được”, bà Côi tâm sự.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ba-giao-gan-30-nam-xoa-mu-cho-tre-xom-lieu-post622831.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ba-giao-gan-30-nam-xoa-mu-cho-tre-xom-lieu-post622831.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà giáo gần 30 năm xóa mù cho trẻ 'xóm liều'