Trường không dạy tiếng Trung, Hà Triệu Vy tự học, giành giải ba quốc gia và đạt chứng chỉ HSK 9, trước khi chinh phục Đại học Thanh Hoa.
Hà Triệu Vy, học sinh lớp 12 trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, nhận thông báo trúng tuyển ngành Xã hội học của Đại học Thanh Hoa, hồi cuối tháng 1. Đây là ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc, đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của THE.
"Em đã có mục tiêu đến Thanh Hoa từ cấp hai nhưng mọi thứ không hề dễ dàng khi em trượt trường THPT chuyên", Vy nói. "Khi nhận kết quả, em và cả gia đình như vỡ òa".
Ngoài ra, Vy đạt chứng chỉ hán ngữ quốc tế (HSK) bậc cao nhất. Trong đó, ở phiên bản 6 cấp, nữ sinh giành 258/300 điểm; còn với HSK 9 cấp, Vy đạt 396/500 điểm.
Vy kể tiếp xúc với tiếng Trung từ tiểu học nhờ được gia đình định hướng, bản thân yêu thích nhiều diễn viên Trung Quốc và thường xuyên xem các bộ phim, show truyền hình thực tế. Lên cấp hai, Vy tự mày mò học ngôn ngữ Trung qua mạng, tăng vốn từ vựng bằng cách theo dõi các mạng xã hội.
Đến lớp 9, Vy tìm hiểu các trường nổi tiếng ở Trung Quốc rồi đặt mục tiêu chinh phục Đại học Thanh Hoa. Để đạt được, việc đầu tiên Vy xác định là cần đỗ lớp 10 chuyên tiếng Trung.
"Em đã trượt và rất buồn. Nhưng ngay cả lúc đó, em cũng không muốn từ bỏ", Vy nói.
Tìm hiểu tiêu chí ứng tuyển của Đại học Thanh Hoa, Vy thấy cần có bảng kết quả học tập, chứng chỉ HSK, minh chứng về khả năng tiếng Anh, các thành tích khác cùng thư giới thiệu, bài luận và video giới thiệu bản thân.
Ngoài học tập và tham gia các hoạt động xã hội ở trường, nữ sinh nghĩ phải giành giải thưởng ở các cuộc thi tiếng Trung để hồ sơ mạnh hơn.
Do trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy không dạy môn tiếng Trung, Vy lên gặp để xin thầy hiệu trưởng tìm cách cho em có cơ hội thi học sinh giỏi cấp thành phố và Olympic bậc THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Em ấy trình bày mục tiêu và bày tỏ sự khao khát, kiên định với mục tiêu đó", thầy Đàm Tiến Nam, hiệu trưởng, nhớ lại. "Vì vậy, trường đã làm công văn báo cáo, trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo, đăng ký cho em tham dự các kỳ thi".
Phải đến khi có tên trong danh sách dự thi thành phố, gia đình Vy mới thuê gia sư dạy tiếng Trung một cách bài bản. Bởi đề thi yêu cầu nhiều hơn về ngữ pháp, trong khi Vy trước đây chủ yếu tự học, thiên về từ vựng. Việc học thêm cũng giúp Vy có tư duy logic, mạch lạc hơn để thi nói và viết.
Kết quả, Vy đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và giải khuyến khích cấp quốc gia ngay lớp 11, giành giải ba năm lớp 12. Ở kỳ thi Olympic của Đại học Quốc gia Hà Nội, Vy dự thi ba năm, đạt cao nhất là giải nhì.
Đến học kỳ II lớp 11, Vy đăng ký thi chứng chỉ HSK để chuẩn bị cho mục tiêu du học. Hỏi các anh chị đi trước, Vy tự đặt mục tiêu đạt HSK 6. Nữ sinh sau đó tiếp tục thi HSK 9 bậc - bài thi với độ khó cao hơn.
Để đạt được bậc 7-9, thí sinh cần tích lũy hơn 11.000 từ và hơn 570 điểm ngữ pháp ở mọi cấp độ, trong khi chỉ cần hơn 5.000 từ với HSK 6. Ngoài nghe, nói, đọc, viết, bài thi yêu cầu thêm kỹ năng dịch từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Trung. Vy cũng nhìn nhận phần thi viết khó hơn nhiều khi yêu cầu thí sinh phân tích biểu đồ, viết luận 600 chữ.
"Em đã học gia sư một tuần ba buổi trong suốt hai tháng nhưng vẫn bất ngờ khi đạt HSK 9", Vy nói.
Từ khoảng tháng 7/2024, Vy tập trung viết luận và làm video giới thiệu bản thân.
Trong đó, ở bài luận, Vy chia sẻ niềm yêu thích ngôn ngữ Trung và kể về quá trình tự học, lý do muốn đến Thanh Hoa và định hướng trong tương lai.
Em cũng kể chuyện xây dựng kênh Youtube và Tiktok với nhiều video học tiếng Trung, nhằm truyền động lực cho những người yêu thích ngôn ngữ này. Hiện kênh Tiktok của Vy có hơn 27.000 lượt theo dõi, còn Youtube là 3.000 lượt, có video đạt một triệu lượt xem.
Nộp hồ sơ vào tháng 10 thì đến tháng 12, Vy vào vòng phỏng vấn với ba giám khảo từ Thanh Hoa. Trong 20 phút, giám khảo hỏi em kiến thức Toán, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Lịch sử Trung Quốc và một số câu đòi hỏi xử lý tình huống.
"Em trả lời theo bản năng, may mắn trả lời được câu về lịch sử nhờ xem nội dung liên quan trên mạng xã hội", Vy kể. "Dù rất lo lắng, em luôn mỉm cười và thể hiện sự tự tin trong suốt quá trình phỏng vấn".
Hiện, Vy đợi kết quả xét học bổng từ trường.
"Có đạt học bổng hay không, em vẫn sẽ chọn học tập tại ngôi trường này", Vy nói. Học phí ngành Xã hội học ở Đại học Thanh Hoa hiện khoảng 90 triệu đồng một năm.