Vẫn theo ông Thắng, trước đây bà Nhàn là 1 trong 12 cổ đông của Công ty CP Bất động sản AIC. Song từ tháng 4/2021, bà Nhàn cùng toàn bộ 11 cổ đông còn lại đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần cho 3 doanh nghiệp gồm Công ty Bất động sản Prime Land (99% cổ phần), Công ty CP Thành Phố Xanh và Công ty Đầu tư xây dựng Thái Sơn (mỗi doanh nghiệp 0,5% cổ phần).
Sau đó, các công ty Thái Sơn và Thành Phố Xanh chuyển toàn bộ số cổ phần của mình tại Bất động sản AIC cho Công ty CP Tập đoàn R&H.
Như vậy, từ tháng 4/2021, bà Nhàn đã không còn là cổ đông của Công ty Bất động sản AIC và không còn bất kỳ quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan. Đại diện doanh nghiệp này đề nghị HĐXX huỷ bỏ việc kê biên đối với khu đất Xuân Đỉnh nói trên.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa. |
Cũng tại phiên xét xử này, ông Trương Việt Toàn (đại diện cho Công ty AIC) khẳng định doanh nghiệp này là bị đơn dân sự, sẽ bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án cho các bị cáo.
Theo ông Toàn, số tiền 107 tỷ đồng AIC gửi tại ngân hàng BIDV sẽ đảm bảo việc này. Tuy nhiên, nguyên đơn dân sự phải là Bệnh viện Đồng Nai, không phải UBND tỉnh Đồng Nai như tòa án đang xác định bởi Công ty AIC ký hợp đồng với bệnh viện.
Đối đáp lại hai ý kiến nêu trên, đại diện Viện kiểm sát cho hay cơ quan điều tra đã kê biên 5 loại tài sản. Căn cứ diễn biến mới tại tòa, phía Viện kiểm sát đề nghị chỉ tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án với 6 căn chung cư tại số 83 Lý Thường Kiệt; một biệt thự rộng 452 m2 tại Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng, đều đứng tên bị cáo Nhàn.
Các tài sản khác cần tiếp tục kê biên để cơ quan điều tra xác minh lại chủ sở hữu hữu, gồm: 107 tỷ đã phong tỏa tại BIDV; biệt thự 357 tại Cửa Nam, do bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.
Riêng với thửa đất rộng 4.065m2 tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Viện kiểm sát cho rằng cần chuyển lại phía điều tra để xác minh chủ sở hữu.