Ông Hoàng Thế Hưng, Phó Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự kiến cầu được hợp long trong tháng 6. Công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 9 năm nay, có ý nghĩa lớn trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các KCN của huyện Hiệp Hòa.
Trên công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với KCN Yên Phong và QL18 (Bắc Ninh) hiện có hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc để hoàn thiện các hạng mục, phấn đấu hợp long cầu vào đầu tháng 7 năm nay. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 358 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh. Cầu Hà Bắc 2 hoàn thành sẽ kết nối các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa với huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Xây dựng đồng bộ hạ tầng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ “Xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông...” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các công trình giao thông trong việc thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Thực hiện chủ trương này, những năm gần đây, tỉnh đặc biệt ưu tiên nguồn lực để xây dựng các tuyến giao thông. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm, thiết yếu mang tính kết nối liên vùng, liên tỉnh được xây mới, nâng cấp, mở rộng nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Được biết, mấy năm gần đây bằng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và T.Ư phân bổ, tỉnh đầu tư khoảng 1,7 đến hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm để thực hiện các công trình giao thông.
Tại các huyện, TP mỗi năm cũng đầu tư từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng... Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trong tỉnh được thi công, ví dụ như: Cải tạo, nâng cấp QL 31; xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; đường nối QL37 - QL 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)...
Để các công trình thi công thuận lợi, sớm hoàn thành, bảo đảm chất lượng, thời gian qua, UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư phối hợp với UBND các huyện, TP triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
Theo bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông - Vận tải, thời gian tới, căn cứ vào quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án kết nối mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh và khu vực, nhất là các khu vực động lực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế; thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.