Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo không nên chủ quan với viêm họng

Định Yên | 26/09/2023, 08:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Khi viêm họng kéo dài hơn 5 ngày, người bệnh nên nhanh chóng tới các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt vào thời điểm giao mùa khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng nên rất dễ bị ốm. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Bệnh viện Đa khoa An Việt, viêm họng là bệnh lý phổ biến.

Các yếu tố như khói bụi, ô nhiễm không khí, nguồn nước cũng ảnh hưởng không tốt tới hệ hô hấp của trẻ. Ngoài ra, một số trường hợp mới cai sữa, thay đổi chế độ ăn dặm, trẻ mới đi nhà trẻ… cũng khiến trẻ dễ bị ốm sốt.

Ngoài ra, viêm họng còn do virus hoặc vi khuẩn. Trẻ bị sốt viêm họng mức độ nặng thường do virus cúm, sởi, Adenovirus… hay vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn, nấm Candida…

viem-hong.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cảnh báo không nên chủ quan với viêm họng.

Biến chứng của viêm họng thường xảy ra ở những người điều trị sai cách hoặc không điều trị. Những biến chứng tại chỗ từ viêm họng mà bác sĩ hay gặp nhất đó là có dịch mủ viêm nhiễm chứa đầy vi trùng và nhu mô bị phá hủy từ khu vực họng viêm. Rồi lan xuống các cơ quan thuộc đường hô hấp kế cận, khiến lây nhiễm càng rộng ra. Các bệnh lý có thể gặp là viêm thanh quản, viêm khí phế quản.

Ngoài ra, đường hô hấp dưới cũng khó có thể tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn, biểu hiện là viêm phổi. Nếu mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là viêm phế quản - phế viêm. Nhưng ở mức độ viêm nặng hay mắc phải tác nhân gây bệnh có độc tính cao sẽ dẫn đến viêm phổi thùy, áp xe phổi.

Theo bác sĩ Hoài An do vùng khoang miệng, vùng hầu họng có mối tương quan thân thiết với cấu trúc ống tai. Việc viêm nhiễm tại khu vực này có thể ảnh hưởng đến tai. Gây viêm tai giữa cấp, viêm tai trong cấp đôi khi ảnh hưởng đến chức năng thính lực, tiền đình.

Các xoang tự nhiên trong xương sọ cũng có nguy cơ lây lan nhiễm trùng từ ổ bệnh viêm họng. Không ít các trường hợp vừa bị viêm họng, vừa bị viêm mũi, viêm xoang cấp tính, bài tiết nhiều dịch mủ đặc, nặng mùi và kèm theo nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi.

Không chỉ gây biến chứng xung quanh vùng tai mũi họng, nếu viêm họng do tác nhân là do liên cầu tan huyết còn nguy hiểm hơn. Do độc tính của chủng vi khuẩn này không chỉ khu trú tại chỗ mà còn xâm nhập vào đường m.áu, gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim… Khi mắc các biến chứng này, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp.

Bác sĩ Hoài An cho biết, nếu là viêm họng do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng. Khi bệnh viêm họng kéo dài hơn 5 ngày, người bệnh nên nhanh chóng tới các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Để phòng bệnh viêm họng trong thời tiết hiện nay, PGS Hoài An cho biết, phụ huynh nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như súp lơ xanh, ớt chuông đỏ, tỏi, gừng, rau chân vịt, hải sản giáp xác, sữa chua và các loại trái cây thuộc chi cam chanh (bưởi, cam, quýt, chanh, cam canh) cho trẻ.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các bữa ăn để đảm bảo cơ thể trẻ nhận được đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để vượt qua thời tiết thay đổi khắc nghiệt.

Bài liên quan
Nên ăn gì khi bị viêm họng?
Người bị viêm họng cần có chế độ ăn khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo không nên chủ quan với viêm họng