Mặc dù không có chuyên môn về ngành giáo dục, nhưng với tài “chém gió”, vị bác sĩ giả danh này tiếp tục tạo sóng, truyền thông, tư vấn, nói về rất nhiều vấn đề liên quan tới việc giúp cho các con học tốt, học giỏi, nói hay tiếng anh…
Đối với bác sĩ giả danh bác sĩ đa khoa Học viện Quân y - Nguyễn Xuân Quang. Tại kênh fanpage có tên BioAmicus, có đính kèm đường dây nóng và địa chỉ trùng với địa chỉ của công ty Dược Hunmed, cũng có sự xuất hiện của bác sĩ giả danh này tham gia truyền thông.
Vị bác sĩ giả danh này còn khẳng định sản phẩm BioAmicus complete đã được đưa vào dùng tại các bệnh viện lớn như: Nhi Trung ương, Sản Trung ương, Sản Hà Nội…
Sản phẩm thuộc nhãn hàng BioAmicus có tốt như truyền thông?
Được biết, dòng thực phẩm chức năng có tên thương hiệu là BioAmicus do Công ty TNHH Dược Hunmed phân phối tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này có mã số doanh nghiệp 0107551987, địa chỉ đăng ký kinh doanh là số 130, ngõ 32, tổ 6, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Hưng.
Hiện doanh nghiệp này đang hoạt động tại địa chỉ số 1 liền kề 12, khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội. Những thực phẩm thuộc nhãn hàng BioAmicus do Công ty TNHH Dược Hunmed phân phối, có giá thành rất cao, được truyền thông rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội có tác dụng như “thần dược” dành cho trẻ sơ sinh, trẻ em...
Trước đó nhiều cơ quan báo chí từng đăng tải phản ánh về việc men BioAmicus Complete chỉ có giá nhập khẩu từ 1,8 USD (khoảng 42.500 đồng)/sản phẩm, còn BioAmicus Vitamin K2D3 có giá nhập từ 1,5 USD (khoảng 35.000 đồng)/sản phẩm.
Tuy nhiên, khi về thị trường nội địa, ra đến các cửa hàng, hiệu thuốc, hay trên website chính thức của công ty Dược Hunmed (https://bioamicus.vn/), giá của các sản phẩm nói trên đã bị “thổi” lên khoảng 10 lần so với giá nhập khẩu.
Theo chị H (ở Hà Nội) đây là một mức giá khó có thể chấp nhận được với người tiêu dùng. Chưa biết công dụng chất lượng sản phẩm ra sao, nhưng với mức giá tăng gấp tới 10 lần giá nhập khẩu như vậy là quá cao. Việc những chuỗi nhà thuốc như Long Châu, PharmaCity…; cùng những hệ thống siêu thị như Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart… nhập và bán lẻ, những sản phẩm này, hoặc các bệnh viện đưa vào phác đồ điều trị… mà không tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm đã và đang vô tình “tiếp tay” cho thương nhân “móc túi” người tiêu dùng và trẻ nhỏ.
Trong những năm gần đây, TPCN dần trở thành một phần trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em. Lợi dụng việc bố mẹ mong muốn con khỏe mạnh, thông minh... truyền thông “bẩn” liên tục tung hô quảng cáo TPCN có tác dụng như thần được, đã gây ra hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.
Để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh với nạn truyền thông “bẩn”, thực hiện chủ trương cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay để chặn cửa vấn nạn truyền thông “bẩn” này.