Bài 2: Thực phẩm chức năng: khó phân biệt thật- giả

Hà Phương | 14/10/2023, 06:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thị trường thực phẩm chức năng đang thật giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng không biết lựa chọn sử dụng như thế nào cho đúng? Và việc quản lý được thị trường này đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý nhà nước.

llcn-bat-giu-tpcn-gia.png
Lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thị trường thực phẩm chức năng thật giả lẫn lộn

Thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và bắt giữ nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng hoang mang.

Một số vụ việc điển hình như: ngày 31/5/2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, phát hiện hàng chục nghìn lọ TPCN giả mới “ra lò”.

Khi lực lượng chức năng đi vào thì phát hiện trên diện tích khoảng 50m vuông, ẩm thấp, bốn công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác.

Kiểm ta thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/hộp TPCN đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt, thể hiện nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các công nhân thừa nhận, sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY,HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA.. lên phía ngoài vỏ hộp.

Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Supharmco; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lady Cara; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Tavuco Việt Nam,..

Để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, các đối tượng này còn sử dụng tem chống hàng giả nghi bị làm giả để dán lên bao bì.

Người đại diện một số công ty có hàng hóa và tên gọi, bao bì giống với sản phẩm được phát hiện tại cơ sở này cho biết, toàn bộ hàng hóa nêu trên đều là hàng giả, và không phải là sản phẩm của những công ty này.

tpcn-gia.jpeg
Viên nang TPCN giả.

Trước đó, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hàng Mai tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

Lực lượng chức năng phát hiện có 12 nhân viên đang hoạt động kinh doanh online: đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh online trên được thực hiện chủ yếu trên mạng xã hội với tài khoản “Viên sủi Lady – chính hãng”.

Hàng hóa tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện số lượng hàng hóa gồm có 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viện/hộp) do Công ty THHH SUPHARMCO (Địa chỉ Tầng 4, DV01-LK32 khu đất dịch vụ Đìa Lão, phường Kiên Hưng, Quận Hà Đông, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm

Và 21 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo (20 viên/hộp) do CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI GENIX (Địa chỉ: Tầng 5, số 8 ngõ 80 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; 46 hộp Collagen Firming Sleeping Mark do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài.

Có mặt với lực lượng chức năng tại thời điểm kiểm tra, đại diện 02 Công ty nêu trên cho biết toàn bộ số lượng sản phẩm bị thu giữ đều không phải là sản phẩm của công ty. Các công ty đều không ủy quyền phân phối sản phẩm trên cho chủ cơ sở.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần một tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và TPCN tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng.

Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan dến kinh doanh các loại hàng hóa trên.

Lực lượng chức năng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra – công an để tiếp tục điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

llcn-phat-hien-tpcn-gia.jpeg
Cần siết chặt thị trường TPCN. 

Siết chặt thị trường thực phẩm chức năng

Sau khi trải qua giai đoạn dịch Covid-19 nhiều khó khăn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, trong đó TPCN được nhiều người quan tâm, sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay, do công tác quản lý thị trường TPCN còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng các loại TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng thiếu kiểm soát, bán tràn lan… gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, có nhiều người đã mua phải TPCN giả, kém chất lượng dưới mác “hàng xách tay”. Chỉ cần lướt mạng xã hội hay bất cứ trang thương mại điện tử nào, người tiêu dùng cũng tìm được nhãn hàng TPCN mình muốn, đáp ứng đầy đủ cả số lượng và chất lượng nhưng giá thành lại rẻ hơn so với “chính hãng” rất nhiều.

Nếu mua nhiều, khách hàng còn có chiết khấu hấp dẫn. Nếu khách hàng có nhu cầu về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì nhà cung cấp sẽ lờ đi hoặc nói thẳng là không có. Đã là hàng xách tay thì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Do đó, việc phân biệt sản phẩm thật – giả chỉ là hên xui.

Chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tình trạng lộn xộn, bát nháo trong thị trường TPCN như trên là do việc quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kém chất lượng.

Bên cạnh đó, tuy đã có một số văn bản về quản lý, quảng cáo TPCN, song việc áp dụng và thi hành trên thực tế vẫn chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về sản phẩm TPCN đang khá phổ biến. Các loại TPCN đang bị “thổi phồng” công dụng thực tế của sản phẩm.

Về nguyên tắc, TPCN chỉ là sản phẩm bổ sung vi chất, bổ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Cách quảng cáo mập mờ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm. Tình trạng buôn bán TPCN “xách tay” không kiểm soát cũng khiến thị trường TPCN bát nháo thêm.

Trước thực trạng này, để góp phần làm lành mạnh thị trường, ngăn chặn sản xuất và kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm bổ sung và TPCN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm./.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Thực phẩm chức năng: khó phân biệt thật- giả