Bài phú "Đại Đồng phong cảnh" - thiên bút có một không hai

T. Hoà | 07/11/2021, 15:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nguyễn Hãng, tức Nại Hiên tiên sinh là tác giả của bài phú "Đại Đồng phong cảnh". Tài văn chương của ông được ví như “thiên bút” có một không hai dưới gầm trời đất Nam.

Xoay quanh bài phú "Đại Đồng phong cảnh", lúc ấy Gia quốc công Vũ Văn Mật trấn thủ Đại Đồng mời văn sĩ bốn phương đến “thi văn” phóng bút vịnh phong cảnh. Bài phú"Đại Đồng phong cảnh" của Nguyễn Hãng, người Xuân Lũng, huyện Sơn Vi chiếm giải nhất, được tặng 2000 lạng bạc. Đây cũng là khoản nhuận bút cao nhất trong lịch sử văn chương nước ta.

nguyen-hang-1.jpg

Đền thờ Nguyễn Hãng tại Lâm Thao.

“Thần mộc” nhập hồn

Sơn Vi nay là huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Đất Sơn Vi xưa nổi tiếng bởi những danh nho đỗ đạt, sự nghiệp hiển hách, như Nguyễn Doãn Cung, Nguyễn Mẫn Đốc. Đây cũng là vùng đất cổ với nhiều truyền thuyết lạ đời.

Các cụ già ở Xuân Lũng đều kể rằng, Nguyễn Hãng sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ chuyên nghề bán quán ven bờ đê sông Hồng. Tuy nghèo nhưng Hãng ham học, ngặt nỗi nghèo không có tiền mua sách nên toàn dùng mẹo “giả mua để đọc”. Có lần ra chợ Dòng, nhờ “thần mộc” ở cây gạo đầu đường cái Mả nhập vào giúp ông nhất tâm một thoáng hết mấy bồ sách của chủ hàng.

Các tư liệu ở Xuân Lũng khẳng định Nguyễn Hãng là con rể danh nho Nguyễn Doãn Cung, người đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Thuận 10 (1469), đời Lê Thánh Tông. Đồng thời, Nguyễn Hãng cũng là anh rể của Bảng nhãn nổi tiếng Nguyễn Mẫn Đốc – người sau này được truy phong Tiết Nghĩa Đại vương, và là thành hoàng ở Xuân Lũng.

nguyen-hang-2.jpg
Khu lăng mộ tại Lũng Bô (Xuân Lũng – Lâm Thao).

Cả ba nhà nho này đều cùng quê xã Xuân Lũng. Khác chăng ở họ là về học vấn - Nguyễn Hãng chỉ có bằng giám sinh trường Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, tên tuổi Nguyễn Hãng lại vượt ra khỏi khuôn viên một dòng họ, một làng và được định danh trên văn đàn chỉ bởi hai bài phú bất hủ “Tịch cư ninh thể” và “Đại Đồng phong cảnh”.

Riêng bài phú “Tịch cư ninh thể” đã được nhóm nghiên cứu văn học đưa vào trích giảng văn học, sách giáo khoa dùng cho học sinh trung học đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Không chỉ có vậy, bài phú này của Nguyễn Hãng còn được coi là một trong những bài hay nhất, mẫu mực nhất của thể văn phú mà các tác gia Việt Nam tham gia sáng tác.

nguyen-hang-3.jpg

Văn chỉ làng Dòng, nơi ghi danh Nguyễn Hãng và các nhà nho nổi danh đất Xuân Lũng.

Lời vàng ý ngọc

Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong “Kiến Văn tiểu lục” phần Tài Phẩm như sau: “Nguyễn Hãng, người xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, học hạnh tinh thuần đầy đủ, đỗ hương tiến giữa năm Hồng Thuận.

Sau vì nhà Mạc cướp ngôi vua, nên không đi thi nữa, dựng một cái hiên nhỏ ở phía đông nhà, đặt tên là “nại hiên”, tự do tiêu khiển, làm bài phú bằng quốc âm để tỏ chí hướng; nhân tập “Chích quái” của Vũ Quỳnh, soạn riêng ba cuốn “Thiên Nam vân lục”.

Có người khuyên nên ra làm quan, Nguyễn Hãng chỉ cười mà không đáp lại. Lúc ấy, Gia quốc công là Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang, vẫn theo chính sóc niên hiệu Nguyên Hòa, lỵ ở Tuyên Quang, thành Đại Đồng, châu Thu Vật, nhân dân tụ họp đông đúc, buôn bán thịnh vượng, là đô hội lớn của phiên trấn về mặt tây.

Văn Mật thường đưa thơ mời Nguyễn Hãng; khi Nguyễn Hãng đến, Văn Mật sai làm bài phú “Đại Đồng phong cảnh” theo thể quốc âm. Hãng cầm bút làm xong ngay, Văn Mật mừng lắm, đưa tặng một cái thúng nhỏ đựng bạc để làm tiền nhuận bút, nhưng chỉ tiếp đãi vào bậc văn nhân, mà không biết trong bụng Nguyễn Hãng có uẩn súc.

Nguyễn Hãng cũng biết Văn Mật là người hào mục thô lỗ, không chí khí to lớn, không chịu bộc lộ hết tài năng của mình, bèn từ tạ trở về, ngao du với vườn ruộng, đọc sách bàn luận đạo nghĩa, người ta phục là người cao thượng, sau mất ở quê hương, nay còn phần mộ tại Xuân Lũng.

nguyen-hang-4.jpg

Lễ đón nhận di tích tại đền Chúa Bầu Vũ Văn Mật (Lào Cai).

Xin trích bài phú của Nguyễn Hãng, một trong những tác phẩm văn chương được trả nhuận bút cao nhất nước ta từ trước tới nay:

“Xem chưng: Được khí thiêng liêng; nhiều nơi thanh lạ. Non Xuân Sơn cao thấp chầu tây; sông Trôi Thuỷ quanh co nhiễu tả. Ngàn tây che cánh phượng, dựng thưở hư không; thành nước uốn đầu rồng, dài cùng là đá. Đùn đùn non Yên Ngựa, mấy trượng cao khoe thế kim thang; tho thó thác Con Voi, chín khúc uốn bền hình quan toả.

Thêm có: Lâu đài kề nước; hoa cỏ hướng dương. Thược dược khéo mười phần tươi tốt; mẫu đơn khoe hết tấc giàu sang. Hây hây ngõ mận, tường đào, quanh nhà thái tổ; thay thảy đường hoè, dặm liễu, bóng gió thiều quang.

Má hồng điểm thức yên chi, đầy vườn hạnh xem bằng quốc sắc; quần lục đượm mùi long não, dãy thềm lan nức những thiên hương.

Lại có nơi: Tiện nẻo vãng lai, là nơi thành thị. Tán đầu khăn họp khách bốn phương; xe dù ngựa dong đường thiên lý. Đủng đỉnh túi thơ bầu rượu, nặng cổ thằng hề; dập dìu quần sả, áo nghê, dầu lòng con tí.

Diên đại mại châu châu, ngọc ngọc, nhiều chốn phồn hoa; viện thu thiên ỷ ỷ là là, mười phần phú quý.

Xem phong cảnh chỉn đã khác thường; gẫm tạo hóa thật đà có ý.

Thửa mặc: Trời sinh chúa thánh; đất có tôi lành. Bói quẻ Kiền đòi thời mở vận; phép hào Sư lấy luật dùng binh.

Đất ba phần có thừa hai, chốn chốn đều về thanh giáo; nhà bốn bể vây làm một, đâu đâu ca xướng thái bình.

Chín lần nhật nguyệt làu làu, cao đường hoàng đạo; ngàn dặm san hà chăm chắm, khỏe thế vương thành.

Hình thế ấy khen nào còn xiết; phong cảnh này thực đã nên danh”.

Bấm đốt tránh nạn

Theo nhà văn Nguyễn Văn Toại cũng là người làng Dòng Xuân Lũng, thì chi tiết “bèn từ tạ trở về” như Lê Quý Đôn đã dẫn chính là tinh thần của chữ “Dật” mà không phải là chữ “Ẩn”. Cho nên, cổng đền thờ Nguyễn Hãng ở xóm Chùa xã Xuân Lũng có ba chữ Hán: Dật sĩ từ.

Vì nhà Mạc tiếm ngôi, Nguyễn Hãng trở về Xuân Lũng, không tham gia các kỳ thi tuyển tiến sĩ do nhà Mạc, một vương triều rất biết chiêu hiền đãi sĩ tổ chức, cũng đồng nghĩa với hành vi chống đối chính thể đương thời. Đó là chưa kể cái tội liên can với người em vợ là Nguyễn Mẫn Đốc đã vì phù Lê mà tuẫn tiết.

Theo các nguồn sử liệu, Nguyễn Hãng từng gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người cùng thời ở quan niệm “chí để ở sự nhàn dật”, trong khi không ít kẻ chí để ở đạo đức hoặc công danh.

Nhàn dật với Nguyễn Hãng không phải là rũ bỏ trách nhiệm với đời, lánh đục về trong. Nguyễn Hãng có biệt tài bấm số Thái ất và chính nhờ khả năng bẩm sinh này mà ông thoát họa sa vào tay quân Mạc.

Giai thoại Nguyễn Hãng bấm số Thái ất biết nhà Mạc sắp cướp ngôi, liền chạy lên Đại Đồng, đến cửa Hùng Quan và được một bà già ở đây che chở hiện vẫn còn lưu truyền ở Xuân Lũng. Cũng nhờ nắm vững khoa Thái ất thần kinh mà trong những lúc gặp biến ông đều tìm ra được những giải pháp thích hợp cho hoàn cảnh của mình.

Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm từng thân chinh lên Tuyên Quang đánh dẹp Vũ Văn Mật, thì Nguyễn Hãng lại lên Đại Đồng tìm gặp Văn Mật với hy vọng tìm được minh chủ. Mặc dù có tài, có chí hướng cao xa nhưng khi gặp Vũ Văn Mật, Nguyễn Hãng mới nhận ra người này không có khí chất minh chủ. Xưa thời Tam quốc, Tư Mã Huy than “Ngọa Long gặp được minh chủ nhưng không gặp thời”; thì Nguyễn Hãng lại là người gặp thời nhưng không gặp minh chủ, chí hướng không được thỏa nguyện, trừ khoản nhuận bút 2000 lạng bạc.

nguyen-hang-5.jpg

Chiếc điếu cày mạ vàng của Chúa Bầu Vũ Văn Mật, người trả 2000 lạng bạc cho bài phú của Nguyễn Hãng.

“Nguyễn Hãng không phải mất ở quê hương như Lê Quý Đôn đã viết. Chứng cứ là sau khi nhà Lê Trung Hưng trở lại nắm quyền, con cháu họ Nguyễn Mả Nội ở Xuân Lũng đã lên Đại Đồng đưa được hài cốt của ông về quê hương, táng bên cạnh mộ em vợ ở Lũng Bô”, nhà văn Nguyễn Văn Toại cho hay.

Câu đối cổ tại miếu thờ Nguyễn Hãng ở Đại Đồng: Vạn cổ Đại Đồng Cao Sĩ truyện/Thiên thu Xuân Lũng cố gia phong”, đã gói ghém tất cả tâm trạng Nguyễn Hãng thời ông sống. Năm 1993, đền thờ Dật sĩ Nguyễn Hãng ở xóm Chùa đã được tái dựng.

Văn chỉ làng Dòng - nơi tôn vinh các danh tài đất Xuân Lũng còn giữ được rất nhiều những tư liệu quý báu về Nguyễn Hãng cũng như các danh nho xứ này. Chỉ tính riêng 3 tấm bia khoa bảng đặt ở khu vực Văn chỉ làng Dòng đã có tới 205 người đỗ đạt với đủ các thứ bậc cao, thấp.

Theo nghiên cứu của nhà văn Nguyễn Văn Toại: Khoảng những năm 20-30 của thế kỷ trước, trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, EFEO, đã cho người lên Xuân Lũng kịp thời in dập lại 3 tấm bia ghi việc học (gồm 5 mặt) cùng một vài tấm bia hưng công khác và những thác bản quý giá này hiện vẫn còn được lưu giữ tại Viên nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

“Cái “tạng” của nhà nho Nguyễn Hãng có lẽ là “tạng phú”. Giá trị các bài phú của ông là ở sức sống lâu bền với thời gian. Bút pháp bài phú “Đại Đồng phong cảnh” nghiêng về hoành tráng. Trong lịch sử văn học nước ta, có lẽ bài phú của Nguyễn Hãng giữ kỷ lục nhuận bút cao nhất – tới 2000 lạng bạc”, nhà văn Nguyễn Văn Toại.

Bài liên quan
Phương Mỹ Chi không biết nhà thơ Xuân Quỳnh là nam hay nữ
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Phương Mỹ Chi thừa nhận bản thân ôn lệch tủ môn Văn, nhầm lẫn kiến thức Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài phú "Đại Đồng phong cảnh" - thiên bút có một không hai