Giáo dục

Bài thơ “Trường Sa” của Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư được đưa vào SGK

Đinh Phương Nhung 04/04/2024 07:10

(GDTĐ) - PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư là tác giả của bài thơ “Trường Sa” được đưa vào sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 4, tập 2 của bộ sách “Cánh diều”.

Bài thơ “Trường Sa” trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 4, tập 2 của bộ sách “Cánh diều” được sáng tác vào năm 1994 bởi PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư.

Thời điểm sáng tác bài thơ, tác giả, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Đài Phát thanh -Truyền hình Nghệ An, đang lên ý tưởng, viết kịch bản để thực hiện phóng sự “Xứ Nghệ ở Trường Sa” tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, vì phương tiện đi lại còn hạn chế nên nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã nhường suất đi cho phóng viên quay phim, để người này quay và dựng theo kịch bản của ông.

nguyen-the-ky-1.png
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư (Ảnh: NVCC).

Sau khi nhận được những thước phim ở Trường Sa từ đồng nghiệp và hoàn thành phóng sự, nhà thơ không kìm được cảm xúc và đã cho ra đời bài thơ “Trường Sa”, một cái tên rất mộc mạc, giản dị.

Bài thơ được sáng tác theo thể thơ lục bát, đậm đà bản sắc dân tộc, để người lính Trường Sa, kể cả các em học sinh, cảm thấy gần gũi, dễ nhớ và dễ hiểu.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Biển xanh ôm ấp trời xanh
Rồng Tiên thuở ấy sinh thành Trường Sa
Trùng khơi nào có ngái xa
Long lanh hạt cát đã là quê hương.


Ở đây chẳng có gì riêng
Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo
Đêm vui chung một câu hò
Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn.


Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn,…
Thuyền Chài, Vĩnh Viễn,… gửi hồn cha ông
Trường Sa nắng nỏ, bão dông
Cây phong ba với thành đồng lòng ta
Góc vườn xanh với tiếng gà
Cây súng thép với lời ca ngọt ngào.

Đêm qua trong giấc chiêm bao
Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng
Luống cày thao thiết bên sông
Và tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa.

Về sau, phim phóng sự “Xứ Nghệ ở Trường Sa” đoạt giải thưởng cao tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc (1994), bài thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ cũng được nhạc sĩ Hoàng Thành phổ nhạc, vẫn giữ gần như nguyên vẹn lời thơ và cả tên tác phẩm.

nguyen-the-ky-2.png
Đoạn trích từ bài thơ “Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong SGK tiếng Việt lớp 4, tập 2 của bộ sách “Cánh diều” (Ảnh: SGK tiếng Việt lớp 4, tập 2 của bộ sách “Cánh diều”).

Chia sẻ kĩ hơn về tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cho biết, mở đầu bài thơ, ông muốn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa bởi nó đã có từ ngàn đời nay, từ thuở Lạc Long Quân và Âu Cơ khai thiên lập địa.

Ngoài ra, nhà thơ cũng muôn nêu lên một điều: Đã là người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, khi đến với Trường Sa, chạm vào hạt cát của Trường Sa nghĩa là thấy quê hương tổ quốc mình, hiện lên thiêng liêng và gần gũi: “Trùng khơi nào có ngái xa/ Long lanh hạt cát đã là quê hương”.

Bên cạnh lời khẳng định về chủ quyền, nhà thơ Thế Kỷ cho hay, ông cũng muốn khắc họa đời sống quân và dân ở Trường Sa, họ thân thiết, gắn bó bên nhau như anh em ruột thịt, luôn chia sẻ mọi nỗi niềm. Đó là lá thư từ hậu phương, những nỗi nhớ niềm thương quê nhà, người thân: “Ở đây chẳng có gì riêng/ Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo/ Đêm vui chung một câu hò/ Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn”.

Ngoài ra, giải nghĩa về tên những hòn đảo được nhắc đến trong bài thơ, tác giả chỉ ra, đó đều là những cái tên mang nhiều hàm ý: “Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn/ Thuyền Chài, Vĩnh Viễn…gửi hồn cha ông”.

“Hình tượng “Cây phong ba với thành đồng lòng ta/ Góc vườn xanh với tiếng gà/ Cây súng thép với lời ca ngọt ngào” thể hiện vẻ đẹp và sự thanh bình, đồng thời nêu bật khát vọng hòa bình của mọi người Việt Nam”, nhà thơ phân tích.

Ở đoạn thơ cuối, nhà thơ Thế Kỷ khắc họa chân dung người lính canh giữ Trường Sa với ước nguyện hòa bình và giấc mơ được về bên mái nhà, bờ tre, mảnh ruộng.

“Ở Trường Sa, họ mơ được trở về bên luống cày, nhưng ngay cả trong giấc mơ được về quê ấy vẫn cồn cào nỗi nhớ, tình yêu Trường Sa”, nhà thơ phân tích thêm.

Ngoài “Trường Sa”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cũng cho ra đời nhiều tác phẩm thơ khác về quần đảo Trường Sa cũng như quê hương, đất nước và được phổ nhạc như: Bài “Tổ quốc” (Nhạc Lê Quang), “Bâng khuâng Trường Sa” (Nhạc Lê Đức Hùng), “Chiều Cần Thơ” (Nhạc An Thuyên),...

nguyen-the-ky-3.png
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong một lần tham gia sự kiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Đến nay, sau khoảng 30 năm sáng tác bài thơ, “Trường Sa” chính thức được đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh tiểu học.

“Việc tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, đối với tôi, đó là một niềm vui pha chút tự hào. Những nhà biên soạn sách chọn bài thơ này một phần có thể vì nó hay, lôi cuốn, nhưng quan trọng hơn cả còn vì bài thơ viết về tổ quốc, về quê hương, về Trường Sa”, nhà thơ chia sẻ.

Thấy tác phẩm của mình được sử dụng làm ngữ liệu giáo dục cho học sinh, nhà thơ muốn truyền đi thông điệp về lòng yêu nước tới thế hệ thiếu nhi, rộng ra là thế hệ trẻ ngày nay.

“Các em dù muốn trở thành bất cứ ai, nhà giáo, nhà khoa học, nghệ sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, người công nhân hay người nông dân..., trước hết và trên hết, các em phải xây dựng, bồi đắp, phát huy cao độ tình yêu tha thiết với đất nước, quê hương, đặc biệt với Hoàng Sa và Trường Sa máu thịt”, nhà thơ bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài thơ “Trường Sa” của Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư được đưa vào SGK