Tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường đại học chủ yếu vẫn do ngân sách dành cho giáo dục còn hạn chế. Ngân hàng Thế giới năm 2020 tổng kết chi cho giáo dục đại học tại các nước chiếm ít nhất 1% GDP, trong khi tại Việt Nam tỷ lệ này là 0,18%. Còn theo khảo sát của Bộ GD&ĐT năm 2022 trên 135 cơ sở giáo dục đại học, tỷ trọng chi trung bình cho cơ sở vật chất của các trường chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm.
Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học phải được bảo đảm 3 yếu tố căn bản: Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo. Trong bối cảnh đổi mới công nghệ không ngừng hiện nay, yêu cầu đặt ra với cơ sở giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở mức đạt chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, mà phải phấn đấu để có được trang thiết bị hiện đại, cập nhật công nghệ kịp thời cho người học.
Muốn vậy trước hết tự thân các trường cần chủ động tìm lối đi riêng để tăng cường nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Nguồn đầu tư này chủ yếu dựa vào các tổ chức phi chính phủ và dự án vốn vay ODA, song quan trọng nhất vẫn là tận dụng những cơ hội tài trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh xây dựng trung tâm thí nghiệm thực hành sử dụng chung, chia sẻ tài nguyên thiết bị giữa các trường cũng là giải pháp cần hướng đến.
Về lâu dài, để đào tạo đại học không lạc hậu so với yêu cầu của thị trường lao động, cần thiết đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Với hiện trạng cơ sở vật chất còn khó khăn như hiện nay, tỷ lệ chi 5% trên tổng chi hằng năm cho cơ sở vật chất ở các trường sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với cơ sở đào tạo lĩnh vực y dược, khoa học, kỹ thuật và công nghệ.