Bài trí phong thủy thế nào để hóa giải mảnh đất xấu?

HT | 02/10/2023, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dựa vào bài trí phong thủy có thể biến mảnh đất xấu trở thành mảnh đất vượng khí, mang tới nhiều thuận lợi cho gia chủ.

Từ xưa đến nay, phong thủy luôn là yếu tố khiến cho gia chủ phải cân nhắc kỹ khi quyết định mua hay xây dựng công trình trên mảnh đất nào đó. Nếu căn nhà xây dựng trên mảnh đất tốt thì đón được tài lộc, may mắn.

Tuy nhiên, không có mảnh đất nào xấu hoàn toàn hoặc tốt hoàn toàn. Dựa vào bài trí phong thủy có thể biến mảnh đất xấu trở thành mảnh đất vượng khí, mang tới nhiều thuận lợi cho gia chủ.

dat-xau.jpg
Bài trí phong thủy có thể biến mảnh đất xấu trở thành mảnh đất vượng khí. Ảnh: Internet

Thế nào là mảnh đất tốt, mảnh đất xấu?

Đất xấu về phong thủy còn được gọi là đất dữ, là nơi không thích hợp để con người sinh sống, không tốt cho sự sống, dễ gây cảm giác bất an, mang đến rủi ro cho gia chủ sống trên đất đó.

Đất vượng khí là đất tốt về phong thủy. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, mảnh đất không có bất cứ cấm kỵ nào về phong thủy trong vòng 100 năm thì đó chính là đất tốt. Khi sinh sống, làm nhà cửa trên mảnh đất này, gia trạch được cát tường, mọi sự hanh thông thuận lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhiều mảnh đất hoàn hảo như vậy. Hầu hết đều phạm vào một vài điểm xấu nào đó nhưng vẫn có thể khắc phục được nhờ cách bài trí phong thủy.

Trước khi quyết định mua đất hoặc xây dựng nhà cửa trên đất, gia chủ cần xem xét thế đất và tìm hiểu rõ lai lịch của mảnh đất.

Đầu tiên, hãy đến xem mảnh đất ở các thời điểm khác nhau trong ngày để quan sát địa thế đất có gì xấu, quan sát cây cỏ, những tác động của thời tiết, khí hậu.

Ví dụ, nếu mưa nhiều thì mức độ ngập lụt ra sao, cây có bị sét đánh không. Gia chủ phải căn cứ vào cảm giác của bản thân để đánh giá mức độ “hợp” của chính mình với mảnh đất đó.

Ví dụ, mảnh đất có bị thiếu sáng quá không, có bị nhiều âm khí tạo ra cảm giác ớn lạnh, rùng mình… Hay mảnh đất có nhiều dương khí, cảm giác ấm áp, mát mẻ khiến tâm trạng phấn chấn, dễ chịu.

Chủ nhân cũng nên đi cùng những người có kinh nghiệm hoặc những người thân sẽ sống với chủ nhân để cùng đánh giá mảnh đất. Hãy yên tâm là mỗi mảnh đất đều có yếu tố xấu và tốt.

Mảnh đất có ít yếu tố xấu là có thể cải tạo được. Trừ những trường hợp quá nhiều điểm xấu như đất từng có sụt lún, sập công trình; đất từng là nơi ao hồ, giếng sâu..

dat-xau-1.jpg
Dựa vào thế đất và lịch sử để đánh giá độ “xấu” của mảnh đất. Ảnh: Internet

Cách hóa giải một số kiểu đất xấu

Căn cứ vào thế đất và lịch sử của mảnh đất để đánh giá độ “xấu” của mảnh đất.

Về thế đất: Xấu nhất là thế đất có hình tam giác. Đây là đại kỵ của phong thủy vì nhà ở không chắc chắn, không hài hòa, tạo ra “hỏa hình sát”, ảnh hưởng xấu đến tinh thần, khả năng tư duy, quyết đoán, đồng thời hạn chế tài vận, sự nghiệp của gia chủ.

Cách hóa giải thế đất hình tam giác là lựa chọn góc nhọn làm thành tường bao hoặc trồng cây xung quanh, bên trong trồng hoa hoặc một số loại cây thấp. Xây nhà ở trên phần diện tích vuông vắn còn lại.

Nếu mảnh đất quá hẹp, buộc phải xây nhà hết đất khiến ngôi nhà có hình tam giác thì nên đặt chậu cây xanh ở phần góc nhọn.

Về ánh sáng: Nếu ngôi nhà bị ánh sáng từ mặt kính của tòa nhà đối diện, đèn đường, đèn xe, biển quảng cáo… hắt vào quá mạnh, sẽ ảnh hưởng đến tình tình của gia chủ. Ban đêm mà có ánh sáng này hắt vào, gọi là “nhật dạ hung quang” sẽ rất bất lợi cho việc nghỉ ngơi.

Cách hóa giải là lập tức che rèm màu thẫm, treo rèm xếp ngang hoặc lắp cửa kín, đặt chậu cây xanh che chắn hướng ánh sáng hắt vào. Nếu có điều kiện thì gia chủ nên đặt bên trái của ngôi ngà một đôi hồ lô hay đôi lỳ lân bằng đồng.

Về hướng trung tâm: Nếu mảnh đất có hướng trung tâm (mặt tiền) đối diện với một con đường đâm thẳng tới thì gọi là “trực lộ không vong” hoặc “hung lộ xung”.

Hướng đất như thế sẽ dẫn tới tình trạng “nhất điều trực lộ, nhất điều thương” cho ngôi nhà. Nghĩa là một con đường thẳng như một ngọn thương mang sát khí đến cho ngôi nhà, phá vỡ thế “tàng phong, tụ khí” của ngôi nhà.

Cách hóa giải hướng đất là xây dựng hàng rào, xây tường hay trồng cây chắn ở phía trước rồi mới tới nhà. Nếu nhà sát mặt đường thì cần làm bậc cửa theo số lẻ hoặc treo gương bát quái lồi trước cửa.

Về các công trình xung quanh: Nếu mảnh đất ở cạnh trạm xăng dầu, trạm biến áp sẽ được coi là “cô dương sát”, quá nhiều dương khí. Gia đình ở trên mảnh đất này sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tính tình, lục đục không yên.

Cách hóa giải trường hợp này là nên treo hồ lô gỗ và la bàn bát quái ở bức tường nhà hướng về trạm xăng hoặc trạm biến áp. Nếu nhà ở cạnh trạm biến áp, nên đóng 4 cái đinh theo lên bức tường gần trạm biến áp nhất, sau đó dùng xâu tiền đồng quấn 7 vòng theo chiều kim đồng hồ để hóa giải. Những gian ở gần trạm biến áp nhất cũng không nên được chọn làm phòng ngủ.

Về vị trí: Nếu mảnh đất nằm ở ngã tư đường, nhất là những ngã tư tạo thành hình lưỡi kéo cắt thì là vị trí đất rất xấu. Chỉ những người có bản mệnh phù hợp thì mới phát triển kinh doanh buôn bán thuận lợi ở những mảnh đất ngã tư đường này.

Nếu gia chủ vẫn muốn phát triển gia đình tại mảnh đất ngã tư đường, ngoài việc nghiên cứu tử vi của chủ nhà, về phong thủy, hãy treo gương bát quái trước nhà, lập bàn thờ Thần Tài thì mới mong kinh doanh có lợi nhuận.

Nếu mảnh đất trước kia đã xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng hoặc là bãi đốt rác thải thì đều là đất hung hiểm, không thể dưỡng Mộc, giữ Thủy, không tốt cho sự sống. Gia chủ nên đào bỏ hết lớp đất bên trên, bù mới vào một lớp đất màu mỡ hơn rồi mới xây dựng nhà cửa.

Để giảm tính hỏa của đất bị nung, nên trồng thêm nhiều cây lớn. Những khoảng đất khó cải tạo quá thì nên xây nhà kho hoặc chuồng trại bên trên.

Nếu mảnh đất trước đây là bãi rác, kho chứa phế thải thì đất còn chứa nhiều tạp khí, uế khí không tốt cho sức khỏe và tinh thần của con người. Gia chủ không nên xây dựng nhà cửa và chuồng trại gia súc mà nên xây kho chứa công cụ, đồ dùng sản xuất.

Để giảm bớt sát khí của mảnh đất loại này, gia chủ nên dọn tầng đất mặt, trồng thêm các loại cây lấy gỗ phù kín thành vườn để hóa giải sát khí trong đất.

Nếu mảnh đất lập trên ao, hồ, sông, giếng dù đã được phủ lấp, tôn nền lên cao nhưng trong phong thủy vẫn là đất có mạch thủy ngầm (gọi là “long ẩn”). Thế đất này được xếp vào loại không liền thổ.

Khi xây nhà ở, mạch thủy ngầm vẫn chuyển động phía dưới nền nhà gây rối loạn trường khí. Đất san lấp và đất nền bùn lầy cũng là loại khác nhau, không có sự liên kết chặt chẽ nên dễ sụt lún. Gia chủ không nên làm nhà trên nền đất yếu này.

Nếu phải làm nhà thì cần đắp nền cao hơn so với xung quanh, trồng cây một thời gian cho đất liên kết trước rồi mới xây dựng. Cần gia cố nền móng vững chắc trước khi xây cất để đảm bảo ngôi nhà không bị sụt lún.

Tùy vào từng khu đất cụ thể, phong thủy có cách hóa giải khác nhau. Tuy nhiên, theo thời gian, môi trường xung quanh khu đất cũng có sự thay đổi dẫn đến phong thủy của ngôi nhà sẽ thay đổi theo. Gia chủ nên nhận biết sớm những yếu tố tác động xấu để kịp thời có biện pháp hóa giải thích hợp.

(Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài trí phong thủy thế nào để hóa giải mảnh đất xấu?