Mỗi sáng sớm, bọn trẻ chúng tôi quần áo gọn gàng ới nhau đi học khi cỏ ven đê còn đẫm sương, trường chẳng xa mấy nhưng vì đi bộ nên chúng tôi phải dậy từ rất sớm, có khi gõ cửa nhà nhau lúc trời còn chưa kịp sáng. “Hành trang” được mẹ mỗi đứa gói theo cho ăn sáng dọc đường cũng “đặc biệt”, bữa thì nắm cơm mới nấu có ít muối chấm kèm, bữa khác thì túi cơm vừa chiên với vài tóp mỡ còn nóng hổi. Chúng tôi vừa ăn vừa đi đến lớp.
Đoạn đường đến trường phải tắt ngang đồng lúa, những mảnh ruộng thơm lừng mạ non, đến gần vụ gặt lại trĩu bông vàng ươm một vùng trời làm thơ mộng bọn trẻ chúng tôi đến giờ, có khi, còn mơ thấy.
Tôi có sở thích khác các bạn, các bạn cứ đuổi nhau chạy dài trên ruộng rồi vấp ngã, xúm nhau cười nắc nẻ. Có khi cao hứng, đi học về, bọn nó kéo nhau xuống ruộng vừa gặt xong còn trơ gốc rạ, rạch lằn phân chia “lãnh thổ” rồi chia nhau từng tụm chơi u hơi. Tôi không tham gia, chỉ ngồi “ngoài lãnh thổ” nhìn các bạn, nghe gió thổi lộng trên đồng, nghe rạ rơm nói chuyện…
Mùi rạ rơm lúc nào cũng mang thương nhớ, là nỗi nhớ vô định, không lựa chọn, không kiêu kỳ nhưng đi theo ta suốt đời còn thở. Ngày tháng xa quê là ngày tháng đơn độc, muôn đời vẫn thế, sự đơn độc đôi khi biến tôi thành cộc cằn, tay chai, mắt sạm màu chợ… Tôi quên rằng trăng vẫn sáng trên đầu, nước vẫn chảy dưới kênh và rạ rơm vẫn sống trong tôi chưa bao giờ thôi trổ.
Ừa phải, rạ rơm cũng trổ, rạ rơm không trổ đòng đòng, không cho ta hạt lúa, nhưng cho ta thứ quan trọng không kém: Rạ rơm biết trổ cái nhớ, cái thương trên tiếng hò Lục tỉnh!